Trong những năm qua, tỉnh ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đồng thời quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả triển khai tín dụng chính sách và hoạt động của Ngân hàng CSXH trên địa bàn như: Đề án số 15/ĐA-UBND ngày 5/10/2007 của UBND tỉnh, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 15/10/2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010; Thông báo kết luận số 516-TB/TU ngày 13/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/10/2016 về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo hàng năm của tỉnh từ 1,5% đến 2% (riêng các xã nghèo giảm từ 3% đến 4%/năm).
Hàng năm, ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu 5 tỷ đồng, ngân sách huyện, thành phố bố trí tối thiểu 500 triệu đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm bố trí đất, kinh phí xây dựng trụ sở; bố trí điểm giao dịch trong khuôn viên UBND xã đảm bảo an ninh, an toàn, thuận tiện đối với hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại Điểm giao dịch xã. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh.
Tổng nguồn vốn tại Ngân hàng CSXH tỉnh đến nay đạt trên 2.148 tỷ đồng, tăng 2.020 tỷ đồng và gấp 16,7 lần so với năm 2002. Trong đó, nguồn vốn của UBND tỉnh, huyện, thành phố ủy thác qua Ngân hàng CSXH để thực hiện tín dụng chính sách xã hội hơn 37,8 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng nguồn vốn.
Việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 10 chương trình tín dụng chính sách. Tổng doanh số cho vay trong 16 năm đạt hơn 5.879 tỷ đồng với trên 434 nghìn lượt hộ được vay vốn, tập trung chủ yếu ở các chương trình: Cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn...
Cùng với đó là chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố và nâng cao. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, trên địa bàn tỉnh đã có trên 169 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 66 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 121 nghìn lao động; giúp cho trên 106 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng cải tạo trên 190 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng hơn 1.600 ngôi nhà cho hộ nghèo.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trong các giai đoạn: 2001-2005 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,38% xuống còn 5,8%; giai đoạn 2006-2010 giảm từ 18,02% xuống còn 6,87%; giai đoạn 2011- 2015 giảm từ 12,4% xuống còn 3,92% và giai đoạn 2016 -2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,46% xuống còn 4,52% (đến cuối năm 2017).
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Ninh Bình, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả và có ý nghĩa rất lớn đối với công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thông qua việc tham gia quản trị Ngân hàng CSXH của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội đã gắn kết các công việc chuyên môn của ngành, của địa phương với việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng quyết định hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Cùng với đó, việc thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng với 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng chung sức giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên ổn định cuộc sống.
Hoạt động nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, tăng số lượng hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp người nghèo có điều kiện được sinh hoạt tại các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó tiếp cận được nhiều hoạt động lồng ghép như hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí ... tạo sự gắn bó mật thiết với quần chúng, đoàn viên, hội viên.
Giáng Hương