Yên Khánh là địa phương điển hình của tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Kết quả nổi bật trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình này là bộ mặt nông thôn các vùng quê có nhiều đổi thay rõ rệt, các địa phương đã đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình phúc lợi như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, xóm... Và mặc dù triển khai xây dựng được nhiều công trình nhưng Yên Khánh lại là địa phương thực hiện khá tốt vấn đề giải quyết nợ XDCB khi phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Xã Khánh Nhạc không phải là địa phương được chọn làm điểm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, nhưng cuối năm 2014, địa phương này đã về đích sớm so với kế hoạch đã đề ra. Trong quá trình xây dựng NTM, xã đã đầu tư xây dựng nhiều công trình có giá trị lớn như nhà văn hóa xã trên 6 tỷ đồng, sân trung tâm thể thao hơn 3 tỷ đồng, hệ thống đường giao thông hơn 2 tỷ đồng và một số công trình khác. Tổng đầu tư xây dựng các công trình khoảng 16 tỷ đồng, rất mừng là đến nay, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc thanh toán nợ xây dựng cơ bản.
Đồng chí Vũ Ngọc Bản, Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã còn nợ lại số tiền gần 10 tỷ đồng trong quá trình xây dựng các công trình phúc lợi. Được sự quan tâm của Nhà nước về việc cấp lại khoản tiền từ giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao đất, đấu giá đất và đã đấu giá gần 70 lô tại 3 khu đường tránh Quốc lộ 10 với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng.
Từ số tiền được trích để lại, xã đã thanh toán cơ bản số nợ; đồng thời tiếp tục kêu gọi, vận động nhân dân xã hội hóa đầu tư kinh phí xây dựng nhà trẻ, trường học, tạo sự đồng thuận cao nhằm tiếp tục duy trì và hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Cũng như xã Khánh Nhạc, sau một thời gian quyết liệt triển khai, xã Khánh Cường (Yên Khánh) cũng đã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015. Để trở thành xã NTM, địa phương này đã đầu tư xây dựng rất nhiều công trình phúc lợi như hệ thống đường giao thông; trường học; kè đường trục xã; sân vận động, nâng cấp trụ sở… với tổng nguồn vốn đầu tư trên 24 tỷ đồng.
Đến nay, Khánh Cường đã thanh toán nợ xây dựng được hơn 18 tỷ đồng; số nợ còn lại xã đang chờ vào nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, tiết kiệm chi tiêu và huy động từ các doanh nghiệp là con em quê hương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thụy, Chủ tịch UBND xã Khánh Cường cho biết: Để sớm hoàn thành trả nợ xây dựng cơ bản, Khánh Cường xác định, việc đầu tư thực hiện tiêu chí thu nhập cho nhân dân là vấn đề rất quan trọng, bởi khi đời sống của nhân dân được nâng cao, người dân có điều kiện về kinh tế sẽ tích cực ủng hộ địa phương trong xây dựng các công trình phúc lợi.
Do đó, phát huy những thành tựu về sản xuất nông nghiệp đã đạt được, thời gian tới, xã chỉ đạo, ngoài tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, cần tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt giá trị cao hơn trên diện tích canh tác. Mục tiêu của xã là phấn đấu hoàn thành trả nợ xây dựng vào năm 2018.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Khánh, đến tháng 11-2015, nợ xây dựng cơ bản của ngân sách cấp huyện là hơn 200 tỷ đồng, giảm gần 60 tỷ đồng so với năm 2014. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, tăng cường các biện pháp xử lý nợ xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công.
Cùng với đó, huyện cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: Chỉ đạo rà soát, bổ sung các quy hoạch hiện có, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch đúng tiến độ cho chủ đầu tư để tổ chức thực hiện thi công…
Qua đó, các công trình triển khai trên địa bàn huyện hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng đảm bảo theo hồ sơ thiết kế - dự toán được duyệt, sớm phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh.
Bên cạnh những địa phương có những giải pháp xử lý tốt tình trạng nợ xây dựng cơ bản thì hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều xã đã về đích NTM nhưng đang gặp khó khăn và chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng này. Như xã Gia Vân (Gia Viễn), mặc dù được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015, nhưng hiện xã đang lo lắng tìm nguồn thu để xử lý nợ xây dựng cơ bản.
Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn như trường học, nhà văn hóa xã, đường giao thông… để hoàn thiện các tiêu chí của chương trình. Tổng nguồn vốn xây dựng khoảng gần 30 tỷ đồng, đến nay, xã mới thanh toán được hơn 5 tỷ đồng.
Số nợ còn lại xã đang "đau đầu" để tìm cách xử lý. Xã cũng đang tiến hành triển khai các bước thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở một số lô đất, tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương thì hiện nay việc đấu giá những lô đất này không dễ do đất ở những nơi xấu, xa khu dân cư nên nhân dân không có nhu cầu đấu giá sử dụng!
Hay như xã Gia Lập (Gia Viễn), sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM vào cuối năm 2014, diện mạo của xã thay đổi rõ rệt, hạ tầng kinh tế, xã hội có bước phát triển, nhất là hệ thống giao thông nông thôn và công trình phúc lợi công cộng. Tuy nhiên, đến nay số nợ xây dựng cơ bản của xã lên đến hơn 20 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo địa phương, nợ xây dựng cơ bản của địa phương có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do nguồn thu trên địa bàn những năm qua chưa bảo đảm cho nhiệm vụ chi, do đó chưa có vốn đối ứng cho các dự án.
Để đạt các tiêu chí về xây dựng NTM, địa phương đã phải đồng loạt triển khai nhiều dự án lớn nhỏ nhưng nguồn vốn huy động không đạt được mục tiêu đề ra khiến nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài.
Để xử lý nguồn nợ này, xã Gia Lập đang thực hiện tiết giảm chi tiêu, tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp là con em địa phương và của nhân dân. Cùng với đó địa phương cũng đang tích cực rà soát bổ sung quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu, phấn đấu giảm dần số nợ trong xây dựng NTM.
Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM quy định xã được công nhận là xã NTM phải đạt 19 tiêu chí thuộc các lĩnh vực về quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường; hệ thống chính trị. Vươn tới đạt chuẩn NTM là chặng đường phấn đấu gian nan đối với không ít địa phương; đặc biệt đối với một số tiêu chí khó đạt như: cơ sở vật chất văn hóa, đường giao thông nông thôn, môi trường...; do vậy nhiều địa phương đã bằng nhiều cách để nỗ lực về đích và để lại những khoản nợ tương đối lớn và nếu chỉ trong thời gian ngắn chắc chắn sẽ không thể xử lý được.
Trước thực trạng trên, để tăng cường quản lý đầu tư xây dựng và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, ngoài rà soát nợ đọng, các địa phương cũng đã chỉ đạo dừng, giãn, hoãn tiến độ, cắt giảm quy mô các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết, không khởi công xây dựng công trình mới, kiên quyết không để phát sinh thêm nợ đọng.
Đồng thời, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn tập trung trả nợ xây dựng cơ bản và bố trí cho xây dựng NTM.
Cùng với đó, các địa phương cũng tiến hành kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong việc để phát sinh nợ đọng XDCB thời gian qua.
Đồng thời đánh giá cơ chế huy động vốn cho xây dựng cơ bản, xác định nhu cầu vốn về tổng mức đầu tư, cơ cấu và chi tiết cho nhiệm vụ chi các năm tiếp theo, lựa chọn các dự án cấp thiết để ưu tiên, tránh đầu tư dàn trải dẫn đến nợ đọng thêm trong XDCB.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, các địa phương cũng đề xuất nên nới một số tiêu chí, không nhất thiết phải nặng nề quá về tiêu chí xây dựng hạ tầng, nhất là việc đầu tư cho những công trình lớn như nhà văn hóa xã, bởi đích cuối cùng của xây dựng NTM là phát triển sản xuất gắn liền với thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.
Mỹ Hạnh