Giá năng lượng tác động mạnh tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Gần đây có thể thấy mỗi khi xăng dầu tăng giá, một loạt các hàng hóa, dịch vụ khác tăng giá theo.
Việt Nam là nước sử dụng năng lượng không hiệu quả, lại phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu xăng, dầu nên nền kinh tế bị tác động rất lớn bởi những biến động về năng lượng trên thế giới.
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, cải thiện môi trường làm việc, tăng khả năng cạnh tranh, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Tiết kiệm năng lượng đem lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên không phải ai cũng nhận thức được. Thậm chí, nhiều hành động còn đi ngược lại với những khuyến cáo về sử dụng năng lượng có ích. Trong sinh hoạt thường ngày ở gia đình, ở cơ quan công sở hoặc trong sản xuất, kinh doanh vẫn phổ biến tình trạng ít quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể như việc mua sắm vật dụng (điều hòa, tủ lạnh, ti vi...) ta thường quan tâm tới công suất, tiện ích, hình thức chứ ít khi quan tâm đến việc tiêu thụ điện của chúng. Trong sản xuất, các thiết bị máy móc cũng vậy, còn nhiều chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến tiện ích, công suất và giá thành của thiết bị. Chỉ tiêu sử dụng năng lượng vẫn bị coi là thứ yếu.
Nhằm sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Sở Công thương triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt. Mức hỗ trợ đối với doanh nghiệp thực hiện đề án tiết kiệm năng lượng là 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng một số doanh nghiệp trong tỉnh vẫn tham rẻ, nhập thiết bị, công nghệ lạc hậu của nước ngoài về để sản xuất. Những thiết bị này không những tiêu thụ năng lượng quá lớn mà còn gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Bên cạnh đó, việc xây dựng ý thức sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm, hiệu quả trong mỗi gia đình cũng chưa được chú trọng dẫn đến nguồn năng lượng tiêu hao, lãng phí.
Ngày 25-8-2011, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Thông báo số 2035/BKHCN-KHTC về việc Trung Quốc công bố loại bỏ 2.255 doanh nghiệp lạc hậu. Đó là những doanh nghiệp có hiệu quả sản suất thấp, tiêu phí năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến cáo các bộ, ngành, các địa phương lưu ý để tránh nhập khẩu thiết bị, công nghệ đã bị loại bỏ của các doanh nghiệp trên.
Nhà nước ta đã nhận thấy tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng chưa hợp lý của toàn xã hội, nó cũng là một trong những nguyên nhân gây sự trì trệ cho sự phát triển của đất nước. Chỉ số về tiêu thụ năng lượng trên 1000 USD GDP của Việt Nam là 600kg dầu quy đổi (với Thái Lan là 400kg và thế giới là 300kg). Qua chỉ tiêu về tiêu thụ năng lượng như vậy đã cho thấy sự canh tranh về giá cả của Việt Nam so với khu vực và thế giới còn quá khó khăn.
Ngày 17-6-2010, Quốc hội đã ban hành Luật số 50/2010/QH12 quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Luật đã nêu rõ chính sách của nhà nước, cũng như chiến lược, quy hoạch chương trình sử dụng năng lượng của Nhà nước. Trong đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được khuyến khích và yêu cầu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như công nghiệp, chiếu sáng công cộng, giao thông vận tải, nông nghiệp, dịch vụ, hộ gia đình, dự án đầu tư, cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và đặc biệt là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Sau đó, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29-3-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng tại Việt Nam đã được ban hành.
Từ những căn cứ về thực tiễn trong đời sống sinh hoạt, trong sản xuất, kinh doanh cùng với định hướng của Chính phủ qua các văn bản pháp quy đã nêu ở trên, mỗi người, mỗi tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp cùng suy ngẫm và có những hành động phù hợp để góp phần sử dụng năng lượng một cách hợp lý hơn nữa.
Bảo Yến