Kết thúc giai đoạn 1 (2001-2010), toàn tỉnh đã đổi mới sắp xếp 48 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó 16 doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức cổ phần hóa; 9 doanh nghiệp giao cho tập thể người lao động; 2 doanh nghiệp chuyển cơ quan quản lý; 1 doanh nghiệp phá sản; bán 3 doanh nghiệp; giải thể 2 doanh nghiệp; 1 doanh nghiệp chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu; 1 doanh nghiệp sáp nhập; 6 doanh nghiệp hợp nhất; 1 doanh nghiệp chuyển thành công ty nông nghiệp; 6 doanh nghiệp chuyển thành công ty TNHH một thành viên.
Các doanh nghiệp sau khi thực hiện chuyển đổi hình thức sở hữu đã thay đổi căn bản về cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng như cơ chế quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kế hoạch, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp đều được thông qua Đại hội cổ đông quyết định theo điều lệ tổ chức hoạt động của công ty cổ phần và pháp luật có liên quan. Người lao động là cổ đông được quyền tham gia quản lý doanh nghiệp, tinh thần trách nhiệm được nâng cao, phát huy sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ doanh nghiệp được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Về hiệu quả sản xuất, kinh doanh sau khi sắp xếp, đa số các doanh nghiệp vẫn giữ ổn định, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, một số doanh nghiệp đã vươn lên tự khẳng định mình trong cơ chế thị trường, chủ động đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng cường công tác quản lý, phát huy vai trò làm chủ của người lao động. Một số doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng, phát triển tốt, doanh thu tăng nhanh, thu nhập của người lao động ngày càng được cải thiện, thực hiện nộp ngân sách kịp thời như: Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết, Công ty CP vận tải ô tô; Công ty CP tư vấn Xây dựng…
Vấn đề lao động, đặc biệt là những lao động không đủ điều kiện về sức khỏe, trình độ năng lực, tay nghề… sau khi chuyển đổi, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước cũng đã được giải quyết chế độ, tạo điều kiện cho người lao động tìm việc làm mới phù hợp với khả năng của mình. Trong tổng số 48 doanh nghiệp đã hoàn thành công tác sắp xếp chuyển đổi theo các hình thức khác, đã có 42 doanh nghiệp được cấp kinh phí chi trả với tổng số lao động dôi dư: 2.032 lao động, với tổng số tiền chi trả là 63.900 triệu đồng.
Thực tiễn thực hiện công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua cho thấy cần phải phổ biến sâu rộng, đầy đủ cơ chế, chính sách, chế độ cho toàn thể cán bộ công nhân viên chức, nhất là cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải chủ động rà soát, kiểm tra hồ sơ để giải quyết các chính sách, chế độ với người lao động, thực hiện nghiêm túc việc đối chiếu, xác nhận công nợ định kỳ, tích cực xử lý công nợ theo chế độ, chính sách trước khi thực hiện chuyển đổi.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các sở, ban, ngành để hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện công tác chuyển đổi, nhất là quá trình thẩm định hồ sơ về lao động, tài chính, bán cổ phần…nhằm giúp doanh nghiệp hoàn thành công tác sắp xếp, chuyển đổi theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra.
Vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn 1 được tỉnh thực hiện và đạt kết quả bước đầu. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2012-2015. Hiện tỉnh còn 6 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên. Cả 6 doanh nghiệp trên đều đã được chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên trước ngày 1/7/2010 theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn này tỉnh sẽ tiếp tục tiến hành cổ phần hóa 3 doanh nghiệp đó là: Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị thị xã Tam Điệp, Công ty TNHH một thành viên môi trường và dịch vụ đô thị thành phố Ninh Bình; Công ty TNHH một thành viên kinh doanh nước sạch Ninh Bình.
Để thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan. Trong đó Sở Tài chính chủ chì phối hợp với các thành viên có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của doanh nghiệp; lập dự toán chi phí cổ phần theo quy định; lựa chọn phương pháp, hình thức kiểm kê, phân loại tài sản , xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và các quy định về cổ phần hóa và thẩm tra kết quả báo cáo UBND tỉnh công bố giá trị doanh nghiệp; chỉ đạo doanh nghiệp tổ chức thực hiện phương án cổ phần hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định.
Đinh Phương Liên
(Trường Trung cấp kinh tế- kỹ thuật và tại chức Ninh Bình)