Từ vị trí quan trọng và đặt trong bối cảnh chung đó, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tiến hành sơ kết việc thực hiện Chỉ thị nhằm đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới.
Thời gian thực hiện Chỉ thị chưa dài nhưng tại các Hội nghị sơ kết đều có chung nhận định Chỉ thị 05 đã dần trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức Đảng, chính quyền, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; từ việc tổ chức quán triệt triển khai, xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức tuyên truyền xây dựng mô hình, điển hình đến kiểm tra đôn đốc, giám sát, nhắc nhở đều tiến hành bài bản, chặt chẽ, nghiêm túc và đúng quy định. Điều đó cho thấy tinh thần, trách nhiệm của các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng thời là tình cảm thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị vẫn còn bộc lộc những tồn tại, hạn chế. Đi kèm với những ưu điểm là những hạn chế, yếu kém. ở mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, đảng viên có những hạn chế yếu kém riêng cần phải nghiêm túc tự soi, khắc phục, sửa chữa.
Một trong những bài học được rút ra qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 đó là: Trong lãnh đạo, chỉ đạo cần tập trung lựa chọn khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả, cụ thể thiết thực, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đây là nội dung rất quan trọng và phải được định hướng rõ ràng, cụ thể, tránh hô hào chung chung, hay mắc bệnh "hình thức chủ nghĩa". Đặc biệt quan tâm xây dựng và nhân rộng những mô hình, điển hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả có sức lan tỏa thiết thực và đi vào chiều sâu.
Trên tinh thần đó, Ban Chấp hành Đảng bộ chính đã yêu cầu các Đảng bộ trực thuộc khi xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đều phải lựa chọn những nội dung, việc làm phù hợp, trọng tâm để triển khai như: Lực lượng Công an với phong trào "tự học, tự rèn, tự đào tạo", "xây dựng phong cách người Công an nhân dân, bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ". Đảng bộ Quân sự tỉnh với cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội cụ Hồ". Huyện Yên Khánh, Hoa Lư với phong trào xây dựng nông thôn mới; thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình với phong trào xây dựng đô thị văn minh, Hội Nông dân tỉnh với phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"… Từ những việc làm trên đã xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình, điển hình tiên tiến đáng được học tập và nhân rộng. Qua đó, lấy tích cực, đẩy lùi tiêu cực, nhân lên những giá trị nhân văn, tốt đẹp trong xã hội.
Thực tiễn cho thấy, xây dựng các mô hình, điển hình đã khó nhưng việc nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo còn khó hơn. Điều này cần có sự nhận thức và quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy, chính quyền, các đơn vị và từng tổ chức, trong đó, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Phải suy tư, trăn trở, giám nghĩ, giám làm, giám chịu trách nhiệm, như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh "… Đó là một trong những việc làm để tiếp tục đưa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống.
Nguyễn Kim