Đối với tỉnh ta, sản xuất vụ đông đã có truyền thống từ lâu, song chỉ đến khi có Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 14-4-2006 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển sản xuất vụ đông đến năm 2010, thì vụ đông mới thực sự trở thành vụ sản xuất chính, đem lại hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác, tạo ra cánh đồng đạt giá trị thu hoạch trên 86 triệu đồng/ha/năm. Sản xuất vụ đông còn làm chuyển biến nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là cơ sở trong việc chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi tư duy của người nông dân trong việc sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và từng bước thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2011 đến nay, sản xuất vụ đông vẫn tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự tích cực, chủ động của nông dân nên đạt được nhiều kết quả. Cụ thể là: tổng giá trị các cây trồng vụ đông 3 năm (từ năm 2011- 2013) đạt khoảng hơn 1,7 nghìn tỷ đồng; bình quân giá trị cây vụ đông đạt 44,5 triệu đồng/ha….
Tuy vậy, cũng trong 3 năm qua, diện tích vụ đông đang ngày càng giảm đi. Diện tích trồng cây vụ đông các năm 2011, 2102 và 2013 lần lượt là 13.453,15ha, 13.260,9ha và 11.539,5 ha. Nhiều nơi có truyền thống sản xuất vụ đông nhưng nông dân cũng không còn mặn mà lắm với một số cây vụ đông mà chuyển sang làm các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Nguyên nhân của tình trạng này là do chi phí sản xuất, giá giống, vật tư và ngày công lao động tăng, nhưng sản phẩm làm ra khó có thị trường tiêu thụ, giá cả thấp. Công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hình thức, chưa cụ thể, hiệu quả, mang tính phong trào, chủ yếu là muốn tăng diện tích để được nhận hỗ trợ.
Sản xuất vụ đông nhiều nơi còn nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung nên khó cho việc chăm sóc, bảo vệ. Chính sách hỗ trợ của chính quyền các cấp còn dàn trải, chưa tập trung cho những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho nên không khuyến khích được người nông dân. Đó là chưa kể có nơi còn sử dụng không đúng kinh phí hỗ trợ hoặc quản lý thiếu chặt chẽ, dễ dẫn đến nảy sinh tiêu cực. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất vụ đông có được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Thời tiết diễn biến phức tạp, một số năm bị mưa, bão, lụt làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng vụ đông…
Nhận thức được tầm quan trọng của vụ đông trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội cũng như mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, tỉnh ta vẫn chủ trương tiếp tục phát triển sản xuất vụ đông bằng các chính sách hỗ trợ mới cho giai đoạn từ nay đến 2015. Mục đích là nâng cao giá trị sản xuất vụ đông; áp dụng quy trình Vietgap đối với cây trồng vụ đông để tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm có sức cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Do vậy, rút kinh nghiệm từ những năm qua, trong vụ đông hai năm 2014-2015, tỉnh ta chủ trương không hỗ trợ các cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp như: đậu tương, ngô đại trà, khoai lang thường, lạc mà tập trung hỗ trợ cho các hộ, nhóm hộ nông dân trực tiếp sản xuất các cây trồng vụ đông trên đất hai lúa và lúa màu, gồm các cây: khoai tây, khoai sọ, trạch tả, ngô ngọt, bí xanh, dưa bao tử, cà chua nhót, ớt được tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết giữa hộ nông dân với nhau hoặc giữa hộ nông dân với HTX và doanh nghiệp.
Các mô hình liên kết giữa các hộ, nhóm hộ được thể hiện bằng phương án tiêu thụ sản phẩm hoặc hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; có quy mô diện tích sản xuất từ 0,2 ha trở lên và phải phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt. Cụ thể, hàng năm, tỉnh sẽ bố trí ngân sách hỗ trợ mua vật tư sản xuất, bao gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với kinh phí 2 triệu đồng/ha đối với các cây trồng là khoai tây, khoai sọ, trạch tả; 1,5 triệu đồng/ha với các cây ngô ngọt, bí xanh, dưa bảo tử, cà chua nhót, khoai lang Hoàng Long. Hỗ trợ kinh phí một lần để đầu tư hạ tầng vùng sản xuất vụ đông tập trung là 2,5 triệu đồng/ha.
Nguyễn Đông