Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật mà Hội VHNT tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ 2004 - 2009?
Đồng chí Nguyễn Đăng Hào: Từ năm 2004 đến nay, VHNT Ninh Bình có bước phát triển đáng mừng cả về chiều rộng và bề sâu. Các tác phẩm, công trình VHNT của cá nhân, nhóm, tập thể đã bám sát thực tiễn sôi động của đời sống xã hội. Phản ánh chân thực, sâu sắc con người, vùng đất, miền quê đang từng ngày vượt lên những khó khăn gian khổ để xây dựng đời sống mới. Đồng thời tích cực mở rộng phương thức phổ biến, tuyên truyền tác phẩm, mở rộng quan hệ, giao lưu, trao đổi hoạt động và đóng góp nhiều tác phẩm, công trình VHNT với nền VHNT cả nước.
Đến tháng 3-2009, Hội VHNT tỉnh đã có 145 hội viên, trong đó có 52 hội viên Trung ương, sinh hoạt ở gần 20 chuyên ngành, chi hội. Bình quân mỗi năm kết nạp mới 5 đến 6 hội viên. Hội đã xuất bản được trên một trăm đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực, phát hành rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Công bố hàng trăm vở diễn, hàng nghìn tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, hàng vạn tác phẩm văn, thơ, các bài viết, bài nghiên cứu, lý luận, sưu tầm… đăng tải trên các sách, báo, tạp chí địa phương, Trung ương.
Các hội viên của Hội đã đoạt hàng trăm giải thưởng ở Trung ương thuộc nhiều thể loại, trong đó nhiều giải thưởng có giá trị cao. Bình quân hàng năm, xuất bản 10 đến 12 đầu sách có chất lượng; đạt 7 đến 8 giải thưởng Trung ương (riêng năm 2008, chuyên ngành Nhiếp ảnh đạt 6 giải thưởng Trung ương và quốc tế). Mỗi năm, bình quân Hội mở 4 đến 5 trại sáng tác và thực tế sáng tác; tham gia tổ chức và trực tiếp tổ chức 4 đến 5 cuộc triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh của tập thể, nhóm và cá nhân. Có hội viên trong một năm đã được đi trại viết của tỉnh và Trung ương 5 lần. Có hội viên đã nhận tiền từ Hội nguồn tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng/một lượt để sáng tác.
Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình đầu nhiệm kỳ xuất bản 2 tháng/1 số, 64 trang, đến nay đã xuất bản mỗi tháng 1 số, 84 trang, nhuận bút tăng gấp 3 lần so với năm 2004, đã hoạt động đúng theo Luật Báo chí - Xuất bản và tôn chỉ mục đích hoạt động của Hội.
Đồng chí Đinh Văn Hùng, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ tỉnh Ninh Bình.
P.V: Tính định hướng trong VHNT được dư luận xã hội, Đảng và Nhà nước quan tâm, điều đó được thể hiện ở Ninh Bình như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Đăng Hào: VHNT là một bộ phận quan trọng của văn hóa mà văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, do đó hoạt động VHNT trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và tăng cường hội nhập quốc tế, có sự giao thoa giữa văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc với quan điểm, khuynh hướng VHNT thời kỳ hiện đại đan xen, phong phú nhưng cũng có nhiều diễn biến phức tạp, tác động đến nhận thức tư tưởng, quan niệm thẩm mỹ của những người sáng tác. Nhìn chung, tuyệt đại đa số những người sáng tạo ra các tác phẩm VHNT của Hội trong những năm qua luôn nêu ý thức trách nhiệm công dân, theo đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội đã thực sự coi Hội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, giữ vững bản lĩnh, lập trường của văn nghệ sỹ trên mặt trận tư tưởng văn học, nghệ thuật, kiên quyết chống các biểu hiện đi ngược lại đường lối văn nghệ của Đảng.
P.V: Những nhiệm vụ chính của Hội VHNT tỉnh Ninh Bình trong nhiệm kỳ tới là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Đăng Hào: Trong nhiệm kỳ tới, toàn thể hội viên sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy trách nhiệm công dân, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao cả về tư tưởng và nghệ thuật, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Quán triệt các quan điểm của Đảng, bám sát yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, căn cứ vào khả năng, điều kiện hoạt động của Hội, Hội VHNT Ninh Bình trong những năm tới sẽ tập trung xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ Ninh Bình ngày càng vững vàng về phẩm chất chính trị, lớn mạnh về lực lượng sáng tạo, chuyên sâu về chuyên môn, phấn đấu có nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh chân thực, sinh động và sâu sắc sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.
Phát triển đều các chuyên ngành VHNT, chú ý phát hiện, bồi dưỡng lực lượng trẻ để bổ sung vào đội ngũ sáng tạo VHNT. Đẩy mạnh hoạt động, nâng cao chất lượng sáng tạo VHNT trên từng lĩnh vực trong đội ngũ văn nghệ sỹ của Hội. Nâng cao chất lượng công tác lý luận và phê bình VHNT. Chú ý mở rộng giới thiệu, phổ biến tác phẩm. Tổ chức đi thực tế, mở rộng giao lưu, học tập kinh nghiệm quản lý văn học nghệ thuật; tăng cường thực hiện phương châm xã hội hóa hoạt động VHNT. Phát động thi đua sáng tác và hoạt động xây dựng Hội. Tích cực tham mưu, đề xuất với tỉnh để có trang bị, cơ sở vật chất cần thiết tốt hơn cho hoạt động VHNT. Tiếp tục khẳng định vị thế VHNT tỉnh nhà trong nền VHNT cả nước.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Mai Phương (Thực hiện)