Tết Trung thu vừa qua, lẽ ra cả gia đình bà Trần Thị Cường (thôn Lý Nhân, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư) đã có một trung thu đầm ấm, vui vẻ nếu không để xảy ra "sự cố" khi liên hoan ăn trưa. Chỉ sau khi ăn bữa trưa xong khoảng 15 phút, 9 người cùng là người thân trong gia đình đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, khô cổ, tê chân tay, hoa mắt, chóng mặt, có dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm. Được các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu kịp thời nên sức khỏe của các bệnh nhân đã tiến triển, chỉ còn 3 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất phải hỗ trợ thở máy. Qua công tác điều tra dịch tễ của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, bữa trưa mà gia đình bà Cường ăn hôm trung thu gồm có thịt vịt quay, chả thịt lợn, thịt chó, trứng rán, canh rau ngót. Trong đó, riêng món vịt quay, gia đình mua thịt vịt tươi sống ngoài chợ và nhờ một cửa hàng khác ướp gia vị và quay. Cùng với công tác cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Chi cục An toàn thực phẩm đã kiểm tra các mẫu dịch rửa dạ dày của bệnh nhân, mẫu thức ăn thừa từ bữa trưa, gia vị ướp vịt để tìm nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm. Để xảy ra tình trạng ngộ độc trên, ngoài yếu tố chủ quan do ý thức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với bữa ăn của gia chủ chưa cao, nguyên nhân chính còn do tình trạng thực phẩm, nhất là thức ăn chín được bày bán ở các chợ thực phẩm chưa có sự quản lý, kiểm tra sát sao của ngành chức năng. Từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp trung thu, nhiều thôn, xóm, phố đều tổ chức "bữa cơm đoàn kết" hoặc liên hoan gặp mặt các gia đình. Cỗ trung thu dịp này chủ yếu là các món truyền thống: lợn mường, thịt chó… Tùy theo điều kiện của mỗi khu dân cư mà mâm cơm có thể do người dân trong khu phố, xóm tự chuẩn bị hoặc được đặt sẵn ở một nhà hàng nào đó rồi đưa về. Nguồn thực phẩm dù được chuẩn bị từ sớm nhưng cũng rất "vô tư": ra chợ khuân về hoặc tìm một địa chỉ quen nào đó để đặt, rất ít người đặt câu hỏi cho vấn đề đảm bảo an toàn, vệ sinh cho nguồn nguyên liệu thực phẩm được dùng cho cả tập thể khu dân cư, có khi lên tới cả 70-80 người. Tại một số chợ thực phẩm, Tết Trung thu là dịp các cơ sở bán thực phẩm, rau xanh được dịp "cháy hàng". Mặc dù thực phẩm, rau xanh được đặt trước và tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, nhưng như lời của một chủ cửa hàng rau, củ, quả ở chợ Rồng: Chỉ đến 7 giờ sáng, hàng đã không còn mà bán. Theo tiết lộ của một người mua quen "khoai tây, ớt, bí xanh…" đều là hàng có xuất xứ Trung Quốc, chở về từ chợ thực phẩm ở Bắc Ninh, được "đổ buôn" ở chợ Rồng rồi tỏa về các chợ tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Các mặt hàng thực phẩm gia súc, gia cầm như: gà, vịt, ngan, lợn, chó…được bày bán tràn lan, đủ cả thực phẩm sống lẫn thực phẩm đã làm sạch. Người bán - người mua vô tư mua-bán, mối quan tâm duy nhất là giá cả, còn nội dung quan trọng nhất là vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm hầu như chả có ai đề cập.
Theo dõi nhiều đợt thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của các ngành chức năng vào các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán, Trung thu, hầu như đợt kiểm tra nào cũng phát hiện ra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có vi phạm. Như trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2015, cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã đã kiểm tra 1.677 cơ sở, phát hiện 319 cơ sở có vi phạm. Cùng với việc xử phạt vi phạm hành chính, các đoàn thanh, kiểm tra đã kiên quyết xử lý, buộc 21 cơ sở phải tự tiêu hủy sản phẩm với 40 loại sản phẩm thực phẩm khác nhau. Các hành vi vi phạm chủ yếu về: sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không khám sức khỏe định kỳ cho người chế biến, sản xuất thực phẩm…
Bên cạnh thanh tra các đợt cao điểm trong năm, các đoàn thanh, kiểm tra còn tiến hành thanh tra định kỳ. Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 46 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ. Điều đáng nói ở đây là, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín được bày bán ở các chợ thực phẩm, nhất là ở các chợ "cóc", chợ nhỏ lẻ, hàng bán thức ăn ven đường…lại chưa được quan tâm đúng mức trong công tác quản lý, thanh, kiểm tra. Thực tế thì hoạt động của các chợ thực phẩm, hàng bán thức ăn chín ven đường hiện nay đã và đang cung cấp một lượng lớn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân hàng ngày. Nếu không được quan tâm quản lý, thanh, kiểm tra thường xuyên về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất dễ xảy ra. Có nhiều nguyên nhân để thực phẩm bày bán tại các chợ nhỏ lẻ, ven đường chưa nhận được sự quan tâm sát sao của ngành chức năng: Do số lượng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh lớn, lực lượng làm công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm "mỏng" nên chưa bao quát hết được; do các cơ sở nhỏ lẻ nên việc xử phạt vi phạm hành chính còn "nương nhẹ", nên chưa đủ sức mạnh để răn đe các chủ cơ sở có vi phạm. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế, chưa có ý thức trong việc chấp hành nghiêm các quy định của Luật An toàn thực phẩm đã dẫn đến tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chưa kể, chính việc thiếu thông tin, kiến thức của người tiêu dùng đã khiến nhiều người chưa xây dựng được thói quen lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ vụ ngộ độc tập thể vừa xảy ra kể trên, đã đến lúc công tác thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh, bày bán thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín tại các chợ thực phẩm, ven đường trong tỉnh cần nhận được sự vào cuộc sát sao, thường xuyên của các ngành chức năng. Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".
Lý Nhân