Để triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 12/8/2016 về thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2016-2020, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, phong trào thi đua "Dân vận khéo" mà trọng tâm là xây dựng, nhân diện các các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, sâu rộng.
Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phong trào, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" các cấp; thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai phong trào thi đua tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong các cơ quan chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận, chú trọng việc thực hiện quy chế phối hợp giữa chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào thi đua "Dân vận khéo" ngày càng lan tỏa, đi vào cuộc sống, có địa chỉ và cách làm cụ thể, thiết thực.
Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng 1.045 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực. Các mô hình "Dân vận khéo" đã có hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên địa bàn tỉnh.
Phong trào thi đua cũng góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, LLVT về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, phong cách gần dân, trọng dân, vì dân của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; phát huy quyền làm chủ, tính tích cực, chủ động của nhân dân.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua "Dân vận khéo", trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua "Dân vận khéo" nói riêng.
Quá trình thực hiện cần chỉ đạo thống nhất, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; phát huy vai trò của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong thực hiện phong trào thi đua. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" phải hướng vào các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung vào những việc mới, việc khó, giải quyết những vấn đề bức thiết của địa phương, đơn vị mà cấp ủy, chính quyền đang tập trung chỉ đạo và đặc biệt phải đem lại lợi ích thiết thực, giải quyết được nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của các ban, ngành, địa phương, đơn vị. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận theo hướng gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân.
Công tác dân vận hướng mạnh về cơ sở, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp.
Minh Châu