P.V: Thời gian qua, vai trò của tổ chức Đoàn trong việc giúp đỡ thanh niên lập nghiệp được thể hiện bằng những việc làm cụ thể nào, thưa đồng chí? Đồng chí (Đ/c) Hoàng Ngọc Hòa: Trong những năm qua, Tỉnh đoàn đã thể hiện vai trò đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp và lập nghiệp bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: Hàng quý, Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm Sông Hồng (Trung ương Đoàn) tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp; phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở Lao động, Thương binh và xã hội) mở các sàn giao dịch việc làm (1 lần/quý tại các huyện, thành phố). Đồng thời phối hợp với ngành chức năng tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao KHKT chăn nuôi, trồng trọt; nuôi trồng thủy sản cho thanh niên.
Ngoài ra, để cung cấp kiến thức khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tổ chức các buổi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả, trên cơ sở đó giúp thanh niên có kinh nghiệm, áp dụng thực tiễn. Các cấp bộ Đoàn quan tâm, hỗ trợ để thanh niên tiếp cận những nguồn vốn vay, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Để các mô hình được nhân rộng, các cấp bộ Đoàn chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình tiên tiến thông qua việc lựa chọn, bình xét giới thiệu những gương thanh niên, doanh nhân trẻ tiêu biểu để Trung ương Đoàn - Hội trao tặng Giải thưởng người thợ trẻ giỏi, Lương Định Của, Trần Văn Ơn, Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc...
Đặc biệt, đầu năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phát động Cuộc thi "ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp" - đây là nội dung tiền đề trong chương trình khởi nghiệp của các cấp bộ Đoàn trong tỉnh giai đoạn 2017 - 2022. Chúng tôi hy vọng, thông qua cuộc thi nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo khởi nghiệp hơn nữa trong tuổi trẻ Ninh Bình.
P.V: Tuy vậy những kết quả trên vẫn còn hạn chế so với sự kỳ vọng của thanh niên cũng như của tổ chức Đoàn?
Đ/c Hoàng Ngọc Hòa: Để khởi nghiệp, lập nghiệp, thanh niên cần rất nhiều thứ và nếu chỉ mỗi sự trợ giúp từ tổ chức Đoàn là không đủ. Điều này cần sự trợ giúp của nhiều cấp, nhiều ngành và nhất là sự nỗ lực của thanh niên. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp thuận lợi hơn, đáp ứng tốt hơn sự kỳ vọng của thanh niên.
P.V: Theo đồng chí, ngành nghề nào thích hợp để lựa chọn khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay?
Đ/c Hoàng Ngọc Hòa: Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế mở với sự phát triển mạnh về công nghệ thông tin mang lại rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Các bạn có thể thỏa sức lựa chọn những ngành nghề phù hợp với khả năng của bản thân, phù hợp với địa phương, đơn vị.
Ví dự như ở tỉnh ta hiện nay phát triển về lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp sạch, thủ công mỹ nghệ hoặc phát triển về lĩnh vực du lịch đang là hướng đi mang lại nhiều cơ hội cho các bạn thanh niên. Cơ hội cho các bạn là rất nhiều điều quan trọng là các bạn dám nghĩ, dám làm, kiên trì biến ước mơ thành hiện thực.
P.V: Những khó khăn, thuận lợi khi thanh niên khởi nghiệp?
Đ/c Hoàng Ngọc Hòa: Một trong những thuận lợi cơ bản của đa số thanh niên khi khởi nghiệp, đó là họ có sức khỏe, nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, có cơ hội tiếp xúc với những phương thức giáo dục tân tiến, tận dụng được công nghệ thông tin, tiếp thu được những cái mới nhất, cái hay.
Bên cạnh đó, thanh niên lại thường xuyên được tổ chức Đoàn tập huấn bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật; được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới sẽ tiếp cận được với Quỹ khởi nghiệp các cấp, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong đó có Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh. Môi trường và cơ hội khởi nghiệp rất thuận lợi. Thị trường đủ lớn và mức độ tăng trưởng nhanh đảm bảo cho các sản phẩm của người khởi nghiệp có thể tiêu thụ được, từ đó tạo ra của cải vật chất mới cho xã hội.
Tuy vậy, sẽ rất khó khăn cho thanh niên khi khởi nghiệp, đó là họ mong muốn khởi nghiệp nhưng vẫn còn tâm lý e ngại, chưa chủ động tìm kiếm cơ hội; thiếu kiến thức, thông tin thị trường, rồi năng lực hoạch định kinh doanh, kinh nghiệm quản lý con người. Và điều quan trọng nữa là thiếu vốn sản xuất. Do đó, khi khởi nghiệp thất bại, nhiều bạn trẻ lại khó đứng lên...
P.V: Vậy làm thế nào để thanh niên thu hút nguồn vốn khởi nghiệp từ các nhà đầu tư?
Đ/c Hoàng Ngọc Hòa: Để thu hút nguồn vốn khởi nghiệp từ các nhà đầu tư, theo tôi thanh niên khởi nghiệp trước hết phải có đam mê, phải xây dựng được niềm tin, xây dựng được hình ảnh cá nhân cũng như chuẩn bị các kiến thức về kinh doanh thật tốt; có một ý tưởng mới mẻ và khả thi, am hiểu lĩnh vực mình kinh doanh.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ cần có khả năng thuyết phục các nhà đầu tư về ý tưởng, kế hoạch của mình. Kiên trì đến cùng khi thuyết phục nhà đầu tư. Thực tế đã có rất nhiều bạn trẻ thất bại trong giai đoạn này bởi vì họ bỏ cuộc quá sớm. Do vậy, không chỉ gặp một người mà hãy gặp nhiều người, một người không chỉ gặp một lần mà hãy gặp nhiều lần. Thuyết phục nhà đầu tư là một quá trình khá vất vả cần phải bỏ ra rất nhiều sức lực và trí lực.
P.V: Theo đồng chí, thanh niên cần chuẩn bị gì để khởi nghiệp?
Đ/c Hoàng Ngọc Hòa: Khi bắt đầu khởi nghiệp, trước hết cần có ý tưởng và chuẩn bị cho mình đầy đủ nhất có thể những kiến thức về lĩnh vực mình định khởi nghiệp cũng như kiến thức tổng hợp trên các lĩnh vực khác nhau để hỗ trợ bổ sung cho công việc sắp tới. Quyết tâm, đam mê và kiên trì để thực hiện những ý tưởng đó. Thứ đến, đó chính là bản lĩnh; có khả năng sáng tạo; trách nhiệm; giữ chữ tín; có tính cộng đồng và thay đổi cách ứng xử để vừa giữ được bản sắc vừa phù hợp với hội nhập.
P.V: Trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn sẽ có chương trình nào nhằm tạo môi trường và chính sách thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp?
Đ/c Hoàng Ngọc Hòa: Trong thời gian tới mà cụ thể là nhiệm kỳ 2017 - 2022, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đặc biệt quan tâm triển khai chương trình khởi nghiệp trong thanh niên. Hàng năm sẽ tổ chức Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên, thông qua đó thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp trong thanh niên đồng thời lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cung cấp kiến thức khởi nghiệp, tìm kiếm, tôn vinh những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên; hướng cho thanh niên tham gia vào việc phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương, đơn vị và thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, của doanh nghiệp và xã hội đối với các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên.
Bên cạnh đó tham mưu tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên về khởi nghiệp và lập nghiệp. Từng bước tham mưu cho tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn về khởi nghiệp và Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
P.V: Để được hỗ trợ mô hình thanh niên khởi nghiệp, các mô hình phải đảm bảo điều kiện gì, thưa đồng chí?
Đ/c Hoàng Ngọc Hòa: Trước hết là các cá nhân đoàn viên, hội viên thanh niên hoặc nhóm đối tượng thanh niên tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội của địa phương, đơn vị. Mô hình có tính thực tế và khả thi sau khi đã được thẩm định. Lập kế hoạch, mục tiêu kinh doanh lâu dài, hoạch định được lợi nhuận thu được. Đảm bảo tính minh bạch trong kinh doanh.., sẽ được hỗ trợ khởi nghiệp.
Các cấp bộ Đoàn luôn khuyến khích, hỗ trợ thanh niên hình thành các ý tưởng, sáng tạo và mạnh dạn trong hành trình khởi nghiệp, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh lớp thanh niên Ninh Bình có lý tưởng cách mạng, giàu lòng yêu nước, trung thực đoàn kết, sáng tạo, lập thân, lập nghiệp vững vàng.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Mai Lan (Thực hiện)