Từ đó cho đến nay, gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của Tổ quốc qua những chặng đường lịch sử của dân tộc, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều đóng góp vào việc thực hiện các nhiệm vụ Chiến lược mà Đảng đã đề ra trong từng thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 31 tháng 12 đã được lấy làm ngày truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Cùng với cả nước, ngành Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình cũng đã trải qua một quá trình dài xây dựng và trưởng thành, với các tên gọi: Cơ quan Kế hoạch cấp tỉnh - Ủy ban kế hoạch và nay là Sở Kế hoạch và Đầu tư, chức năng, nhiệm vụ ngày càng được tăng cường hơn. Đặc biệt, sau 20 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình đã thực hiện chức năng tham mưu về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện và đề xuất về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài ở địa phương; quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn viện trợ phi Chính phủ; đấu thầu; đăng ký kinh doanh; tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; tổ chức cung ứng các dịch vụ công, góp phần cùng với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội. Khi tái thành lập tỉnh năm 1992, Ninh Bình vẫn là một tỉnh nghèo, thuần nông, kinh tế - xã hội còn hết sức khó khăn, sản xuất công nghiệp còn nhỏ bé, manh mún, kỹ thuật, công nghệ còn lạc hậu, hiệu quả thấp. Trải qua 2 thập kỷ phát triển, bám sát đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương Anh hùng, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trên 10%/năm, nhất là giai đoạn 2006-2010 GDP bình quân tăng 16,5%/năm. Từ một tỉnh thuần nông, Ninh Bình đã trở thành địa phương có công nghiệp, du lịch phát triển, có cơ cấu kinh tế hợp lý (công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 49%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 15% và dịch vụ 36%). Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng có bước phát triển khá, tăng gấp 27,7 lần; giá trị dịch vụ tăng gấp 12,4 lần; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gần 2 lần; thu ngân sách Nhà nước năm 2011 đạt 3.392 tỷ đồng, tăng 84,8 lần so với năm mới được tách tỉnh 1992. GDP bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới.
Gắn liền với những thành tựu nổi bật của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, ngành Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình đã luôn giữ vai trò chủ đạo là bộ phận tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và điều hành kế hoạch; đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp, chính sách, đảm bảo các mục tiêu quan trọng cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thực hiện thắng lợi các kế hoạch được đề ra. Các kết quả chủ yếu đó là: Chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành bám sát các chiến lược, các quy hoạch của cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng. Chất lượng các quy hoạch đã được nâng lên và được triển khai thực hiện có tính khả thi, tạo định hướng cho việc xây dựng các kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã từ lúc lập kế hoạch đến giao kế hoạch hàng năm và được thực hiện nghiêm túc, kịp thời đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Tham mưu cân đối vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước trên cơ sở chỉ đạo chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bám sát các nguyên tắc và định hướng bố trí chi đầu tư phát triển đảm bảo tập trung, dứt điểm; ưu tiên thanh toán nợ xây dựng cơ bản; vốn đối ứng cho các dự án ODA; các công trình phục vụ sản xuất và hạ tầng nông thôn. Do vậy đã góp phần hoàn thành các mục tiêu về đầu tư cơ sở hạ tầng được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh và phát triển vụ đông; Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ; Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo; Nghị quyết số 17/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư xây dựng trụ sở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 20/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về xây dựng trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia… Tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện phân cấp, ủy quyền như như Quyết định số 2178/2007/QĐ-UBNĐ ngày 17-9-2007 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phân cấp, ủy quyền quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và hiện nay được thay thế bởi Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND ngày 16-3-2012, nhằm phát huy vai trò tự chủ và nâng cao trách nhiệm cho UBND các huyện, thành phố, thị xã, xã, phường, thị trấn trong quản lý đầu tư xây dựng. Trong các thời điểm nền kinh tế có biến động lớn (như năm 2008, khủng hoảng tài chính thế giới, lạm phát tăng cao; năm 2009, kinh tế bị suy giảm, năm 2011 khó khăn về vốn đầu tư, lạm phát tăng cao), Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời tham mưu một số giải pháp như cắt giảm đầu tư, kích cầu đầu tư để UBND tỉnh ban hành một số văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác đầu tư xây dựng cơ bản, về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2012 đã tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách thu hút đầu tư trong lúc dòng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đang giảm dần.
Công tác cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "Một cửa liên thông" của Sở, việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả được rút ngắn xuống còn 5 ngày. Đến nay, số dự án đã được chấp thuận đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư là 451 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 82.180 tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp là ngành mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như: Sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, đá xây dựng, gạch...) và ngành dịch vụ, du lịch, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giải quyết việc làm và một số vấn đề xã hội khác.
Công tác đối ngoại hướng vào việc xúc tiến và thu hút đầu tư; xây dựng các danh mục vận động nguồn vốn ODA kịp thời; thu hút các dự án ODA và nguồn vốn viện trợ phi Chính phủ đầu tư vào tỉnh, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm... Trung tâm Tư vấn đầu tư của Sở đi vào hoạt động đã tư vấn cho các nhà đầu tư, thúc đẩy nhanh các ý tưởng của các nhà đầu tư để đầu tư các dự án trên địa bàn. Năm 2012, lần đầu tiên Sở đã thực hiện thành công việc chủ trì tham mưu cho tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư… Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đấu thầu, dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, về chấp hành các nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư và một số dự án thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị và chỉ ra những mặt còn hạn chế của các địa phương, đơn vị để khắc phục và rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác kế hoạch và đầu tư...
Thực hiện tốt vai trò tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội, liên tục nhiều năm qua Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được các cơ quan cấp trên khen thưởng kịp thời. Từ năm 1992 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư liên tục được UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng Bằng khen; Cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Hồng. Các tổ chức Đảng, đoàn thể trong cơ quan luôn đạt danh hiệu vững mạnh. Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong quá trình phấn đấu và trưởng thành, năm 2007, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và mới đây là Huân chương Lao động hạng Nhì cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình.
Trong chặng đường trước mắt và lâu dài, những thách thức mới và yêu cầu mới luôn đòi hỏi, trong đó, thách thức lớn nhất là nền kinh tế của tỉnh vẫn còn phát triển ở trình độ thấp so với khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước; việc khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng và các lợi thế so sánh của tỉnh còn hạn chế; GDP bình quân đầu người còn ở mức thấp so với trung bình cả nước… Tuy vậy, trong thời gian tới, những cơ hội mới đang mở ra để Ninh Bình phát triển bền vững, từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới trong hiện tại và tương lai. Với chức năng của mình, ngành Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kế hoạch và đầu tư, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức cao, phấn đấu đưa Ninh Bình sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Nguyễn Chí Tình
TUV, Giám đốc Sở KH&ĐT