Thực hiện kế hoạch, chương trình công tác, hàng năm, UBND tỉnh đã tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng tới tất cả các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tiêu biểu là các phong trào: Thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từng năm và kế hoạch 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; thi đua lập thành tích kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình; thi đua nhân dịp kỷ niệm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6) …Phong trào thi đua trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể phát triển mạnh mẽ. Có nhiều phong trào thi đua hội tụ sinh động "ý Đảng, lòng dân", thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như: Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" "Đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo và làm giàu chính đáng", "Kiên cố hóa kênh mương, làm đường giao thông nông thôn", "Xây dựng cánh đồng mẫu lớn"…
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, khoa học, công nghệ, bưu chính viễn thông và phát triển doanh nghiệp, nhiều phong trào thi đua được phát động rộng rãi như: "Thi đua lao động giỏi","Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật","Năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả", qua đó góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng lan tỏa các phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả như: Phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt"của ngành Giáo dục - Đào tạo; ngành Y tế với các phong trào thi đua : "Lương y như từ mẫu", "Nâng cao y đức thực hiện tốt Quy tắc ứng xử". Trong thanh niên, học sinh có phong trào "Thi đua học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp", phụ nữ với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"...
Trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh có phong trào "Thi đua Quyết thắng", "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới"; thi đua "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Nhiều phong trào thi đua được gắn với các cuộc vận động mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc như phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "Tặng nhà tình nghĩa, xây nhà tình thương"... Các phong trào thi đua yêu nước được phát động gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh tổng hợp, động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác.
Có thể khẳng định, các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua đã mang lại hiệu quả xã hội to lớn, góp phần đưa sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 11,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 ước đạt trên 30,7 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần so với năm 2010. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, một số ngành có bước phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2,04%/năm. Công tác xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ, Ninh Bình được xếp trong tốp đầu toàn quốc về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hoạt động du lịch phát triển toàn diện, Quần thể danh thắng Tràng an được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Các nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển tăng nhanh, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội, công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, đời sống nhân dân tiếp tục ổn định, nhiều mặt được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,4% năm 2010 xuống còn 3,5% năm 2015. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố ngày càng vững mạnh.
Từ các phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới tiêu biểu được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Trong đó nổi bật là: Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động" thời kỳ đổi mới cho 1 đơn vị; 6 Huân chương Độc lập, 144 Huân chương Lao động các hạng cho các tập thể, cá nhân. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tặng 32 Cờ thi đua của Chính phủ; tặng 259 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 78 tập thể và 181 cá nhân. Chủ tịch UBND tỉnh tặng 5.405 Bằng khen cho 1.900 tập thể và 3.505 cá nhân; công nhận 276 danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh"; tặng 338 Cờ thi đua xuất sắc và 778 danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc", "Đơn vị Quyết thắng". Đặc biệt, năm 2012, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ 2) cho nhân dân và cán bộ tỉnh Ninh Bình.
Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận, công tác thi đua, khen thưởng cũng còn những khuyết điểm, hạn chế: Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh và tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng chưa thực sự sâu rộng; nội dung, biện pháp, hình thức thi đua còn chậm đổi mới, phong trào thi đua ở một số lĩnh vực còn kém hấp dẫn, hiệu quả chưa cao; công tác lựa chọn, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến còn lúng túng; nhiều đơn vị chưa chú trọng xây dựng kế hoạch hoạt động công tác thi đua, khen thưởng hàng tháng, hàng quý, hàng năm nên thường bị động, trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng còn bất cập…
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn cách mạng mới. Trước những thời cơ, vận hội mới, bên cạnh những thuận lợi, Ninh Bình cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề. Vì vậy, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước của tỉnh giai đoạn 2015-2020 cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm tạo ra khí thế mới, nguồn lực mới để thực hiện thắng lợi phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp của nhân dân; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế (GRDP), phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của khu vực đồng bằng sông Hồng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch. Nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển văn hóa - xã hội toàn diện; thực hiện tốt và đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng địa phương.
Để thực hiện thắng lợi phương hướng nêu trên, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp, các ngành không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; phải coi thi đua, khen thưởng là động lực quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Chỉ đạo thi đua, khen thưởng phải xây dựng thông qua kế hoạch, xác định nội dung, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị. Theo đó chỉ đạo tổ chức thực hiện, cam kết, giao ước thi đua, thường xuyên kiểm tra phong trào và có các hình thức khen thưởng kịp thời.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua. Nội dung thi đua tập trung vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của địa phương mình, đồng thời phải hướng tới giải quyết có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh từ cơ sở. Mục tiêu của các phong trào thi đua phải cụ thể, rõ ràng, sát với thực tế. Hình thức thi đua phải đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi để mọi người dễ hiểu, dễ theo dõi, dễ tham gia.
Thường xuyên quan tâm xây dựng điển hình tiên tiến, theo dõi, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tác dụng của phong trào. Các điển hình tiên tiến được lựa chọn để xây dựng và nhân rộng phải thật sự tiêu biểu, nêu gương người tốt, việc tốt, có sức lan tỏa, tạo động lực mới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Đổi mới công tác khen thưởng, để mỗi hình thức khen thưởng đều thực sự khích lệ, động viên mỗi tập thể, mỗi cá nhân tích cực làm việc. Việc khen thưởng tuyên dương phải thường xuyên, đều khắp; chú trọng động viên các lĩnh vực hoạt động và các vùng miền khó khăn; kết hợp tốt việc khen thưởng tổng kết năm với khen thưởng theo chuyên đề, khen thưởng đột xuất.
Tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; bảo đảm bộ máy và cán bộ thi đua các cấp có năng lực chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, toàn dân, toàn quân trong tỉnh tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Trước mắt phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2015, xây dựng và chuẩn bị triển khai kế hoạch 5 năm 2016-2020. Thông qua các phong trào thi đua nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh, vượt qua khó khăn, thử thách xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Đinh Văn Điến
(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình)