5 năm qua, công tác thi đua và các phong trào thi đua yêu nước toàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, có bước phát triển rõ nét cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra cho nhiệm kỳ 2010-2015. Nhiều phong trào thi đua và cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ, nổi bật nhất là phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", phong trào học tập, công tác, lao động giỏi, lao động sáng tạo và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã mang lại những kết quả quan trọng, thiết thực, tạo khí thế phấn khởi, hăng say trong các tầng lớp nhân dân. Trong bối cảnh đan xen giữa thời cơ và thách thức, Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ, không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị với những kết quả quan trọng, khá toàn diện, đáng phấn khởi trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch; đưa du lịch vào thời kỳ mới, tiến gần hơn mục tiêu trở thành ngành kinh tế trọng yếu của tỉnh. Diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; đời sống nhân dân ổn định và được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường. Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo được củng cố ngày càng vững mạnh. Phong trào của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hàng năm đều được Trung ương đánh giá là đơn vị có phong trào mạnh trên toàn quốc. Việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được thực hiện nền nếp, ngày càng sát với thực tế, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh bình quân đạt 85%.
Với những kết quả đã đạt được, nhiều tập thể và cá nhân trong tỉnh đã được Nhà nước, Chính phủ phong tặng các danh hiệu thi đua. Đặc biệt, ngày 30-6-2015, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1263/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ tỉnh Ninh Bình. Đây là sự ghi nhận và là phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực, cố gắng của toàn tỉnh chúng ta trong suốt những năm qua, nhất là trong phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2010 - 2015.
Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, bên cạnh những tập thể, cá nhân được trao tặng những danh hiệu, những phần thưởng cao quý đó, còn hàng nghìn tập thể, cá nhân đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến vì sự phát triển của quê hương, đất nước nhưng chưa được phát hiện, chưa được cơ sở đề cập trong bình xét thi đua khen thưởng, thậm chí còn chưa được biết đến. Trong thực tế, có nhiều cá nhân tự nguyện cống hiến thầm lặng, chỉ tâm niệm làm việc thật tốt, cống hiến thật nhiều mà không nhằm để được biểu dương, khen thưởng.
Đó là những bậc cao niên, kể cả những bậc lão thành cách mạng đến tuổi được hưởng an nhàn vẫn hăng hái tham gia lo việc làng, việc nước. Đó là những công dân bình dị, những anh chị công nhân, những người lao động cuộc sống còn khó khăn vẫn ngày đêm cần mẫn lao động, mở lòng, góp tay tương trợ những người khó khăn hơn mình. Đó là những thương binh, bệnh binh, người tàn tật "tàn mà không phế" vượt lên bệnh tật, tích cực lao động sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho xã hội. Đó là những thầy thuốc, thầy giáo tận tụy với nghề, đam mê nghiên cứu sáng tạo, xung phong đến vùng sâu, vùng khó khăn để chăm lo sức khỏe, mang tri thức đến cho người dân nghèo. Đó là những em học sinh nghèo, tật nguyền vượt khó vươn lên học giỏi với đầy ắp hoài bão, ước mơ. Đó là các chiến sỹ bộ đội, công an không ngại gió sương gian khổ, ngày đêm canh giữ cho cuộc sống bình yên của nhân dân. Đó là những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng hết mình vì công việc, không ngừng trau dồi kiến thức, tu dưỡng đạo đức, tận tâm, tận lực vì công việc để xứng đáng là công bộc của nhân dân…
Bằng tất cả sự trân trọng và tình cảm chân thành, tôi xin cảm ơn đối với những tấm gương, những nỗ lực và cống hiến vô cùng quý báu của những tập thể, cá nhân đã được vinh danh qua các danh hiệu, phần thưởng cao quý; những điển hình có mặt ở đây, ngày hôm nay và cả những người chưa nhận được danh hiệu thi đua, những người không có mặt ở đây; trong đó thậm chí có những người vì công việc hay hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện theo dõi sự kiện quan trọng này qua sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh.
Tôi cũng tin tưởng sâu sắc rằng, những tấm gương người tốt, việc tốt, những bông hoa đẹp làm cho vườn hoa của cả dân tộc ta thêm rực rỡ; đó sẽ là những tấm gương sáng để cho những người chưa phát huy được bản thân trong lao động, lập nghiệp và cống hiến cho cộng đồng phải nỗ lực, cố gắng để vượt lên chính mình; những người đã cố gắng rồi cần tiếp tục phấn đấu nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa.
Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi nhiệt liệt chúc mừng những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh ta trong 5 năm qua; đồng thời ghi nhận và biểu dương những điển hình tiên tiến được vinh danh tại Đại hội ngày hôm nay.
Kính thưa toàn thể Đại hội!
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan phong trào thi đua yêu nước của tỉnh ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Phong trào thi đua ở một số ngành, lĩnh vực phát triển chưa đồng đều và liên tục, còn hình thức; chất lượng, hiệu quả chưa cao. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến kết quả một số phong trào thi đua chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; chưa tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công tác khen thưởng có nơi, có lúc chưa gắn chặt với phong trào thi đua; khen thưởng chưa kịp thời, tính giáo dục, thuyết phục và nêu gương chưa cao; Tỷ lệ khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động, người trực tiếp sản xuất còn ít...
Kính thưa toàn thể Đại hội!
Cùng với cả nước, tỉnh Ninh Bình chúng ta đang đứng trước yêu cầu phát triển mới ngày càng cao với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, các Đảng bộ trực thuộc tỉnh đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội cấp mình và chỉ còn 1 tháng nữa, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ được khai mạc, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho sự phát triển và đi lên của tỉnh nhà.
Hòa chung khí thế đó, thời gian vừa qua nhiều phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc đã diễn ra sôi nổi, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng và đạt được những kết quả rõ nét, thiết thực. Đặc biệt, qua các phong trào thi đua và các ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học, nhiều phương hướng, giải pháp hay đã được tiếp thu để hoàn thiện các văn kiện Đại hội với chủ đề: "Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; Phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; Tập trung phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững". Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin được trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của nhân dân trong tỉnh vào các phong trào thi đua và vào quá trình chuẩn bị Đại hội.
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu trên, nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh trong thời gian tới là: Phải đưa phong trào thi đua yêu nước của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có hiệu quả cao hơn nữa, xứng đáng với vị thế và yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Báo cáo do đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh trình bày trước Đại hội đã nêu đầy đủ, hệ thống phương hướng, nhiệm vụ, cùng giải pháp công tác thi đua, khen thưởng. Ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Thượng tướng Ngô Xuân Lịch cũng đã đề cập những điểm trọng tâm trong công tác thi đua khen thưởng mà Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh cần quán triệt thực hiện. Tôi xin đề cập đến một số nội dung sau:
Một là, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác thi đua khen thưởng. Trước hết là nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng và các phong trào thi đua yêu nước như lời Bác "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", Thi đua là việc làm thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người, là mỗi người cố gắng làm tốt và làm tốt hơn công việc của mình vì lợi ích của bản thân, của những người thân, của cộng đồng và của đất nước. Công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy gắn với trách nhiệm của người đứng đầu chứ không phải của bộ máy chuyên trách làm công tác thi đua khen thưởng.
Hai là, khi tổ chức phong trào thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị, đồng thời phải xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, của người lao động. Các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng tổ chức, địa bàn, đơn vị. Cần có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các phong trào, các đợt thi đua với các cuộc vận động xã hội tạo nên sự cộng hưởng thiết thực; cần có sự lồng ghép, gắn kết về tiêu chí, chỉ tiêu và các biện pháp phát động, tổ chức với nhau.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào thực chất, làm nền tảng và tạo động lực để đưa các phong trào thi đua lên một tầm vóc mới. Với tất cả các ngành, các giới, Bác Hồ đều có những lời dạy vô cùng khúc triết dễ nhớ và ngành nào, giới nào, người nào cũng dường như thấy Bác không chỉ là vị Lãnh tụ vĩ đại mà còn là người đồng nghiệp, là tấm gương hết sức mẫu mực. Bác dạy: "Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều...". Các cụ già hãy làm gương cho con cháu; các bậc cha mẹ cần mẫu mực; phụ nữ phát huy tinh thần kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang; thế hệ thanh niên không ngại việc khó; thầy và trò thi đua dạy tốt, học tốt; cán bộ, lực lượng vũ trang trung với nước, hiếu với dân; cán bộ, công chức cần, kiệm, liêm, chính; đảng viên vừa hồng vừa chuyên....
Ba là, Để đẩy mạnh phong trào thi đua, cần quan tâm phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng điển hình tiên tiến và nhân rộng các điển hình ấy thông qua việc tổng kết và phát động phong trào học tập các điển hình tiên tiến, thực chất là trao đổi kinh nghiệm rộng rãi, cùng học tập lẫn nhau để phấn đấu vươn lên vì mình, vì gia đình, vì tập thể, vì quê hương và vì đất nước. Thành tích của các điển hình tiên tiến phải trung thực. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
Quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được tuyên truyền nêu gương, tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương. Các điển hình tiên tiến phải có sức thuyết phục và sức cảm hóa mạnh mẽ, thực sự là tấm gương, là bài học sống động góp phần vào việc bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng, tình cảm, hướng dư luận vào cái tốt, cái thiết thực, đẩy lùi cái ác, cái xấu và các biểu hiện tiêu cực khác, khơi dậy và nhân lên những mặt tích cực trong mỗi con người, trong mỗi đơn vị và trong cộng đồng xã hội. Thi đua phải thật sự trở thành một biện pháp quan trọng trong việc xây dựng con người mới.
Bốn là, công tác thi đua, khen thưởng đòi hỏi phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhưng nhất thiết phải có đội ngũ cán bộ chuyên trách làm nòng cốt. Hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua khen thưởng cần được tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng, năng lực. Bên cạnh đó, thi đua, khen thưởng là trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu mỗi đơn vị, cần tránh tình trạng khoán cho bộ phận chuyên trách công tác thi đua khen thưởng, mặc dù đây là lực lượng nòng cốt.
Bên cạnh đó, cũng cần khắc phục hiện trạng khen thưởng theo kiểu "khen từ trên xuống" và "có đề nghị được khen mới có thể được khen". Lãnh đạo và đội ngũ làm công tác thi đua khen thưởng cần chú ý phát hiện, trợ giúp, thậm chí chủ động hướng dẫn làm thủ tục khen thưởng đối với những điển hình xứng đáng, nhất là những người lao động trực tiếp ở những lĩnh vực vất vả khó khăn.
Kính thưa các đồng chí, thưa toàn thể Đại hội!
Kế thừa thành tích và những bài học kinh nghiệm, với nhận thức sâu sắc về vai trò của thi đua khen thưởng và trách nhiệm đối với công tác đặc biệt quan trọng này, chúng ta cùng tin tưởng chắc chắn rằng công tác thi đua khen thưởng thời gian tới đây sẽ tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh, tạo sinh lực mới cho các phong trào thi đua yêu nước.
Tôi mong các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tiếp tục nâng cao và đổi mới chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, làm cho phong trào thi đua thực sự có bước chuyển mới về chất, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020.
Một lần nữa, xin chúc Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Ninh Bình lần thứ IV thành công tốt đẹp. Chúc toàn thể các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, chúc 496 điển hình hôm nay sau 5 năm sẽ lan tỏa được hàng ngàn điển hình tiên tiến, cùng nhau quyết tâm thi đua, phấn đấu lập nhiều thành tích, xây dựng Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Xin trân trọng cảm ơn!
*(Đầu đề do Báo đặt)