Để đẩy mạnh liên kết, phát triển chăn nuôi theo chuỗi tại địa phương, HTX chăn nuôi Tân Tiến, xã Kim Mỹ (huyện Kim Sơn) được thành lập, trở thành "bệ đỡ" trong phát triển sản xuất, cung cấp nguồn thức ăn, con giống, thuốc thú y bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý cho thành viên, người chăn nuôi.
Sự ra đời của HTX như một cuộc "cách mạng" thay đổi phương thức chăn nuôi tại địa phương, từ tự phát, thiếu liên kết, giá cả, thị trường bấp bênh, chi phí sản xuất tăng cao… sang chăn nuôi khoa học, an toàn và cho hiệu quả vượt trội.
Ông Trịnh Duy Tân, Giám đốc HTX chia sẻ: Hiện nay, HTX chăn nuôi Tân Tiến tiếp tục phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bảo đảm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm, mang lại lợi ích toàn diện cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Về nhân lực, HTX đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, bổ sung kiến thức về sản xuất an toàn, trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, máy móc, đồ bảo hộ để tăng hiệu quả làm việc, bảo đảm nguyên tắc an toàn lao động và nâng cao sức khỏe cho thành viên, người lao động trong quá trình sản xuất.
Ngay từ khi thành lập vào năm 2014, HTX đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi lợn để tăng sức đề kháng, miễn dịch với các loại dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm "lợn sạch" cung cấp đến người tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Qua nghiên cứu tài liệu, HTX bắt đầu đưa thêm thảo dược để thay thế các loại thuốc kháng sinh. Đơn cử, với hai loại bệnh mà lợn thường hay mắc phải là bệnh về đường hô hấp và đường tiêu hóa, HTX đang sử dụng mật ong vẹt để chữa trị và đang cho thấy hiệu quả rất tốt. Việc sử dụng thảo dược sẽ giải quyết được nỗi lo về thuốc kháng sinh, không chỉ tăng sức đề kháng, giảm thiểu dịch bệnh cho đàn lợn, mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt lợn, từ đó nâng cao giá bán, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó còn giúp giảm công chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho thành viên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất.
Điều đó được khẳng định qua đợt thị trường giá cả thịt lợn hồi đầu năm 2017, giá thịt lợn hơi trên thị trường giảm sâu xuống mức 22-25 nghìn đồng/kg, nhưng giá lợn hơi của HTX vẫn giữ mức giá 32-35 nghìn đồng/kg, các hộ thành viên vẫn được bao tiêu sản phẩm và có lợi nhuận. Không chỉ đảm bảo nguồn thức ăn sạch, khâu xử lý chất thải của HTX cũng đang được ứng dụng kỹ thuật xử lý triệt để, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất và người dân trong địa bàn.
HTX dịch vụ, thương mại và sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng (Gia Viễn) hiện là một trong những HTX nhạy bén trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển thành công mô hình sản xuất an toàn theo hướng hàng hóa, đem lại lợi ích toàn diện về cả kinh tế và an toàn lao động cho thành viên, hộ liên kết.
Trong năm 2018, HTX Đại Hoàng đã ký hợp tác bao tiêu nông sản cho 6 đơn vị là trường học trên địa bàn huyện Gia Viễn, các cửa hàng nông sản an toàn và Công đoàn viên chức tỉnh Ninh Bình. Theo anh Lê Văn Tiên, Giám đốc HTX dịch vụ thương mại và sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng, hiện nay nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch là rất lớn. Có nhiều trường học, đơn vị tìm đến và mong muốn HTX cung cấp nông sản cho đơn vị, song chúng tôi đã phải từ chối nhiều yêu cầu.
Trong năm vừa qua, HTX đã cung cấp cho thị trường khoảng 50 tấn rau củ quả các loại, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Trong năm 2019, các thành viên của HTX Đại Hoàng đang hướng tới việc xây dựng thành công gói nông sản theo chuỗi dinh dưỡng, bao gồm các sản phẩm rau củ quả, thịt (lợn, gà), thủy sản (cua đồng, cá rô đồng, cá chuối), trứng... để cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, thành viên HTX được tổ chức sản xuất khoa học, áp dụng kỹ thuật sản xuất an toàn, từ đó giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đồng chí Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Trong những năm gần đây, tình hình liên kết bao tiêu giữa nông dân với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát huy hiệu quả thiết thực. HTX đang trở thành đại diện bảo vệ quyền lợi các thành viên, phát huy quyền tự chủ của người dân trong sản xuất. Hiện có 34 HTX trên địa bàn tỉnh có hoạt động liên kết bao tiêu sản phẩm, phân phối cho các cửa hàng nông sản an toàn, trường học hoặc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác củng cố hoạt động, thu hút thành viên để tăng vốn góp, mở rộng diện tích canh tác, xây dựng chuỗi giá trị, phát triển sản xuất an toàn, hướng đến nền sản xuất hiệu quả, bền vững.
Trong đó, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ các đơn vị thành viên trong khâu liên kết bao tiêu sản phẩm, tổ chức các đợt xúc tiến thương mại, kêu gọi những công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng lâu dài và ổn định; tư vấn, hỗ trợ tăng cường tính pháp lý cho hợp đồng bao tiêu. Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình HTX để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm khắc phục tình trạng "được mùa mất giá".
Có thể khẳng định, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân mang tính ưu việt nhất trong việc tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong giai đoạn hiện nay. Việc các HTX kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản cũng góp phần quan trọng thực hiện Đề án phát triển 15 nghìn HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 của Chính phủ.
Từ đó, vai trò của các tổ chức như HTX, tổ hợp tác được phát huy là người đại diện, người bảo hộ cho nông dân tham gia chuỗi liên kết có việc làm ổn định, thu nhập tăng cho các thành viên. Đây cũng là định hướng lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả.
Thái Học - Đức Lam