Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh: Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 việc ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Hạ tầng CNTT, nền tảng CQĐT tiếp tục được quan tâm đầu tư, nguồn nhân lực CNTTđã cơ bản được đáp ứng; công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được chú trọng tăng cường; các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh được vận hành ổn định, an toàn phục vụ tốt cho công tác quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Hiện hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã triển khai đến 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị với hơn 8.600 tài khoản người dùng, tỷ lệ sử dụng thường xuyên đạt trên 88%. Nhiều đơn vị đã thực hiện việc chữ ký số, chuyển, nhận văn bản điện tử trên hệ thống Quản lý văn bản và điều hành.
Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai và hoạt động ổn định, hiệu quả với hơn 2.800 thủ tục, trong đó, có trên 1.000 thủ tục mức độ 3, mức độ 4. Tổng số hồ sơ được tiếp nhận trên hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh là gần 224.000 hồ sơ, trong đó có trên 8.600 hồ sơ trực tuyến. Năm 2018, tỉnh Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT tăng 34 bậc so với năm 2017, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành cả nước.
Đây là yếu tố quan trọng, then chốt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính (SIPAS), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Ninh Bình.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo đánh giá kết quả công tác ứng dụng CNTT và xây dựng chính quyền điện tử của Ban chỉ đạo. Đồng thời làm rõ những khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tốt hơn trong thời gian tới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của các sở, ngành, địa phương trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử thời gian qua.
Chỉ ra một số hạn chế trong quá trình triển khai, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: tập trung hoàn thiện, nâng cấp Cổng dịch vụ công, hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia và quy địnhtại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.
Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các ngành khẩn trương khảo sát, rà soát các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, sớm đưa Trung tâm dịch vụ hành chính công vào hoạt động. Đài PTTH tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về xây dựng chính quyền điện tử.
Tập trung chỉ đạo triển khai ký số hồ sơ, văn bản điện tử. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung triển khai một số giải pháp ứng dụng CNTT cho 3 xã xây dựng NTM kiểu mẫu (Yên Từ, Khánh Thiện, Gia Vân). Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp kiểm tra, đôn đốc thực hiện gửi nhận văn bản có chữ ký số. Nâng cấp cổng thông tin điện tử. Tiếp tục triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý cần tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, trong đó Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục nâng cao vai trò trong việc tham mưu, tích cực chủ động hơn trong công tác phát hiện, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong công tác đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo các hệ thống thông tin; vận hành an toàn, ổn định...
Mai Lan - Đức Lam