P.V: Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật về tình hình phát triển của du lịch tỉnh nhà, đặc biệt sau khi có Nghị quyết 15 của BCH Đảng bộ tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Luyên: Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 15 của BCH Đảng bộ tỉnh, du lịch Ninh Bình có bước phát triển mạnh. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch từng bước được tập trung đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch, gồm cả các dự án có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và dự án có nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, tiêu biểu như Khu di tích Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch sinh thái Vân Long, dự án sân gôn 54 lỗ hồ Yên Thắng, dự án khu nghỉ dưỡng Anna Mandra, dự án khách sạn Huyền Thoại…
Du khách đến Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính. Ảnh: Hoàng Anh
Cho đến nay, đã có 43 dự án đầu tư vào du lịch Ninh Bình với tổng số vốn hơn 9.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 187 cơ sở lưu trú với 3.061 phòng nghỉ, trong đó đạt tiêu chuẩn từ 1 sao trở lên có 1.620 phòng, chiếm 53,27%, có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn tương đương 3-5 sao. Trong công tác quy hoạch, ngành đã tiến hành quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết được các khu, điểm du lịch, như quy hoạch chi tiết Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương; bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái Vân Long.
Bên cạnh sự nỗ lực của ngành, nhận thức về phát triển du lịch của các cấp, các ngành và nhân dân những năm qua được nâng cao, nhờ vậy tạo được sự đồng thuận, phối kết hợp chặt chẽ để phát triển bền vững du lịch tỉnh nhà. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch có nhiều chuyển biến, cơ chế, chính sách pháp luật về du lịch được đổi mới, hoàn thiện nhằm tạo môi trường pháp lý cho hoạt động du lịch, thu hút mọi nguồn lực đầu tư. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến được triển khai với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú bước đầu tạo được hình ảnh đẹp về du lịch Ninh Bình với du khách trong và ngoài nước. Nguồn nhân lực du lịch được chú trọng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Mục tiêu của Nghị quyết số 15 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIX), đến năm 2015 du lịch Ninh Bình đón 3 triệu lượt khách, nhưng đến năm 2010 toàn tỉnh đã đón được hơn 3,3 triệu lượt khách, tăng 74,4% so với năm 2008. Doanh thu 549,9 tỷ đồng, tăng 239% so với năm 2008. 6 tháng đầu năm 2011, ngành Du lịch đón gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt 450 tỷ đồng. Đây chính là những con số thể hiện rõ sự phát triển của du lịch tỉnh Ninh Bình.
P.V: Cần có những giải pháp gì để sản phẩm du lịch Ninh Bình trở nên hấp dẫn đối với du khách thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Luyên: Sản phẩm du lịch của Ninh Bình phong phú và hấp dẫn du khách. Ninh Bình có nhiều khu du lịch nổi tiếng, hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan như: Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch sinh thái Vân Long… Tuy nhiên trong những năm qua du lịch Ninh Bình mới chỉ cung cấp cho khách du lịch sản phẩm du lịch khai thác từ tài nguyên du lịch thiên nhiên sẵn có mà chưa thực sự kết hợp với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Để thu hút khách du lịch ngày càng hiệu quả hơn, du lịch Ninh Bình cần kết hợp hài hòa trong việc khai thác tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch lịch sử văn hóa, đặc biệt là du lịch sinh thái cảnh quan hang động, du lịch sinh thái kết hợp tắm biển ở vùng bãi ngang - Cồn Nổi, Kim Sơn…
Một trong những sản phẩm du lịch Ninh Bình đang hướng đến là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề, mới nữa là "du lịch homestay". Ngành đã xây dựng dự án du lịch homestay ở Vân Long, đây sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra ở các khu, điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Loại hình này đặc biệt hấp dẫn du khách, nhất là khách du lịch quốc tế, khách đam mê tìm hiểu bản sắc văn hóa vùng, miền và trải nghiệm cuộc sống nông thôn đồng bằng sông Hồng.
P.V: Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tạo sự phát triển bền vững, du lịch Ninh Bình cần phải làm gì trong thời gian tiếp theo?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Luyên: Trong thời gian tới, để phát triển du lịch bền vững, du lịch Ninh Bình tiếp tục tập trung thực hiện tốt Kế hoạch số 07/KH-UBND của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-TU/NQ của Tỉnh ủy và Chương trình hành động toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Ninh Bình khóa XX. Trong đó, ngành Du lịch triển khai xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2015-2030; quy hoạch các khu, điểm du lịch như Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình, Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương, Khu du lịch Tam Điệp - khu trung tâm dịch vụ du lịch thị xã Tam Điệp, khu du lịch Nhà thờ đá Phát Diệm và vùng ven biển Kim Sơn; quy hoạch vùng núi đá vôi, quy hoạch hệ thống giao thông phục vụ du lịch, quy hoạch vùng chuyên sản xuất rau an toàn, hoa quả và thực phẩm phục vụ du lịch…
Đồng thời tập trung hoàn thành, nâng cấp và khai thác hợp lý các khu du lịch trọng điểm đặc biệt là Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu núi chùa Bái Đính, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch sinh thái Vân Long, khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương, khu nước khoáng nóng Kênh Gà - Vân Trình, khu Vườn Quốc gia Cúc Phương, vùng ven biển Kim Sơn… Đầu tư phát triển các sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch, phát triển du lịch sinh thái (tập trung vào các khu hang động xuyên thủy như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương…) và văn hóa tâm linh. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào các khu du lịch, nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển các cơ sở dịch vụ kinh doanh du lịch chất lượng cao.
Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành trong phát triển du lịch. Xây dựng các quy định phù hợp trong việc quản lý, khai thác tài nguyên du lịch. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch.
Trong quá trình đầu tư, khai thác cần quan tâm bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của các di tích danh thắng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tổ chức quốc tế liên doanh, liên kết đầu tư và mở rộng thị trường khách du lịch, tạo các tour, tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch có trình độ, năng lực.
Quan tâm đến công tác giáo dục cộng đồng cho nhân dân trong các khu, điểm du lịch về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân trực tiếp tham gia các hoạt động liên quan đến du lịch về văn hóa giao tiếp, thái độ ân cần, tạo ấn tượng với du khách, gìn giữ môi trường du lịch.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Thủy (Thực hiện)