Riêng cơn bão số 2 và 3 có chiều hướng và đường đi ảnh hưởng đến Ninh Bình, nhưng khi vào đến gần bờ thì đột ngột suy yếu, hoặc chuyển hướng nên ảnh hưởng không đáng kể đối với tỉnh ta. Với tinh thần cảnh giác cao với bão gió, mưa lũ và phòng, chống bão, lũ là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của các cấp, các ngành trong thời gian này, nên công tác phòng, chống bão lũ được chuẩn bị đầy đủ, kịp thời và chu đáo.
Chỉ tính đối với cơn bão số 3 vừa qua, khi nhận được thông tin bão có thể ảnh hưởng đến tỉnh nhà, các cấp, các ngành đã tích cực, chủ động chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. UBND tỉnh đã ban hành 2 Công điện khẩn và yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB tỉnh xuống địa bàn được phân công phụ trách để trực tiếp chỉ đạo và điều hành công tác PCLB. Các địa phương trực PCLB 24/24h.
Huyện Kim Sơn, vùng trọng điểm trong công tác chống bão đã huy động lực lượng xung kích phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng tổ chức di dời 1.200 hộ với 2.344 lao động nuôi trồng thủy sản ngoài đê Bình Minh II về nơi trú ẩn an toàn. Kiểm tra hệ thống đê sông, đê biển và chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện, vật tư ứng cứu khi cần. Lợi dụng thủy triều mở cống tiêu nước đệm trong sông, ngòi. Kiểm soát chặt hoạt động của 16 bến đò ngang trên địa bàn.
Huyện Nho Quan, Gia Viễn - vùng trọng điểm trong chống lũ, ngập úng đã tổ chức kiểm tra lại hệ thống đê sông, nhất là các vị trí xung yếu và vùng đồi núi có nguy cơ bị sạt lở đất . Huy động lực lượng, phương tiện tiêu kiệt nước đệm trong vùng nội đồng (ao hồ, sông ngòi); kiểm soát các bến đò ngang… Công ty Khai thác công trình thủy lợi đã chỉ đạo các chi nhánh triển khai các biện pháp chống úng cho lúa mùa ngay khi bão còn ở xa…
Mùa mưa bão năm nay vẫn đang tiếp diễn và đang là thời gian cao điểm. Theo dự báo có khoảng 6-7 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới có thể ảnh hưởng đến nước ta. Hơn nữa, trong những năm gần đây, do sự biến đổi của khí hậu nên quy luật của mưa bão phần nào đã có sự thay đổi và dường như bão gió, mưa lũ có chiều hướng dịch chuyển sang những tháng cuối năm. Những trận mưa lớn, bão lũ xảy ra vào đầu tháng 10 của những năm 2009, 2010 gây thiệt hại không nhỏ cho nông nghiệp tỉnh ta đã cho thấy điều này.
Hai năm gần đây, tỉnh ta không bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão. Cơn bão số 2 và số 3 vừa qua là một ví dụ: Theo dự báo ban đầu là hướng đi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Ninh Bình nhưng lại không xảy ra, có thể đã tạo ra tư tưởng chủ quan, coi thường trong công tác phòng, chống bão lũ ở một bộ phận cán bộ và nhân dân. Điều này sẽ rất nguy hiểm đối với công tác PCLB. Kinh nghiệm của nhân dân thì tháng 7, tháng 8 cũng là thời kỳ cao điểm của mùa mưa và vụ lúa mùa lại đang trong thời kỳ đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển rất dễ bị ngập úng nếu mưa to, kéo dài…
Vì vậy đề cao cảnh giác với bão lũ là công việc không bao giờ thừa, như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão gió, lũ lụt, mưa úng gây ra.
Đinh Chúc