Năm 2012, chỉ số này được điều tra, đánh giá tại 8.053 doanh nghiệp dân doanh của cả nước theo 9 chỉ số thành phần: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý.
Theo đó, PCI của Ninh Bình năm 2012 đứng thứ 23 so với toàn quốc và đứng thứ 3 so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đánh giá về các chỉ số thành phần cho thấy: Gia nhập thị trường đạt 8,63 điểm, xếp thứ 5 trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Đây là chỉ số thành phần được chấm điểm cao nhất trong 9 chỉ số cấu thành PCI của tỉnh. Để có được kết quả trên là do tỉnh đã nỗ lực thực hiện cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Trên thực tế, thời gian đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư cơ bản đảm bảo, chỉ có một số nhỏ chậm trễ do trục trặc kỹ thuật mạng khi lấy mã số doanh nghiệp, hoặc hồ sơ thành lập doanh nghiệp có tính chất phức tạp phải có thời gian trao đổi với các cơ quan hữu quan và yêu cầu doanh nghiệp cần bổ sung.
Chỉ số tiếp cận đất đai đạt 6,73 điểm, xếp thứ 2 trong khu vực đồng bằng sông Hồng, chỉ số này khá tốt. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin đạt 5,02 điểm, xếp thứ 6 trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước đạt 6,61 điểm, xếp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Hồng. Chỉ số thành phần này được đánh giá rất tốt do tỉnh đã thực hiện các chủ trương "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", giải quyết các thủ tục hành chính của doanh nghiệp bằng cơ chế "Một cửa" và "Một cửa liên thông", kịp thời lắng nghe và giải quyết trực tiếp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với thủ tục rõ ràng, công khai, minh bạch và bình đẳng... Chi phí không chính thức đạt 6,95 điểm, xếp thứ 5 khu vực đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là chỉ số thành phần dược đánh giá cao ở Ninh Bình, các doanh nghiệp phải bỏ chi phí không chính thức thấp hơn so với toàn quốc.
Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh đạt 6,39 điểm, xếp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Hồng, thể hiện ở chỗ lãnh đạo tỉnh luôn sáng tạo và linh hoạt trong giải quyết những trở ngại của doanh nghiệp trên cơ sở nắm vững chính sách quy định hiện hành của pháp luật. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 3,52 điểm, xếp thứ 8 trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Chỉ số thành phần này đạt thấp là do thực hiện chưa tốt và thường xuyên hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại; việc cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp chưa có nhiều các đơn vị thực hiện. Chỉ số đào tạo lao động đạt 5,19 điểm, xếp thứ 6 khu vực đồng bằng sông Hồng. Thiết chế pháp lý đạt 3,26 điểm, xếp thứ 5 khu vực đồng bằng sông Hồng. Đây là chỉ số thành phần đạt rất thấp so với cả nước, doanh nghiệp chưa thực sự có lòng tin đối với hệ thống tư pháp của tỉnh, nhất là trong việc giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức địa phương.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho rằng: Việc xác định thứ hạng PCI là một biện pháp quan trọng, qua đó nhận diện được những mặt mạnh, mặt yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh sát với yêu cầu thực tiễn hơn, trên cơ sở đó tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm cải thiện môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh, trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa gần 1.800 thủ tục hành chính rườm rà; công bố trên 700 thủ tục hành chính ở các lĩnh vực; thiết lập đường dây nóng giải quyết thủ tục hành chính; triển khai đồng bộ công tác cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "Một cửa" và "Một cửa liên thông"; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết của Chính phủ (giãn, hoãn nộp thuế, lắng nghe và giải quyết trực tiếp các khó khăn của doanh nghiệp, thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư của tỉnh và mở rộng đối tượng được vay vốn từ quỹ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp...); đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư (rà soát lại các dự án đầu tư trên địa bàn, tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh và đã có 8 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 5 biên bản ghi nhớ triển khai nghiên cứu đầu tư tại hội nghị... Trong năm 2012 đã có 400 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh, 20 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 6.500 tỷ đồng (có 4 dự án FDI và tổng vốn đầu tư 3.740 tỷ đồng).
Theo lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh tại Thanh Hóa: Mặc dù trong điều kiện khó khăn, nhưng chỉ số PCI của Ninh Bình vẫn đứng thứ 23 so với toàn quốc và đứng thứ 3 so với khu vực đồng bằng sông Hồng là điều đáng ghi nhận, là một trong những tỉnh có môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư thuận lợi cho việc phát triển của các doanh nghiệp ở các khu vực. Kết quả này có sự nỗ lực, quyết tâm cao của tỉnh trong nhiều lĩnh vực đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dân doanh nói riêng. Các chỉ số thành phần: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh... có thứ hạng khá tốt so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Các chỉ số thành phần đạt điểm cao hơn so với năm trước là: tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp..., cần tiếp tục nâng cao điểm số và thứ hạng các chỉ số thành phần trên ở những năm tiếp theo. Tuy vậy, cần tập trung cải thiện về điểm số và thứ hạng, tiếp cận đất đai, thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý...
Nhằm cải thiện thứ hạng PCI của tỉnh, những giải pháp chính được đề ra là: Tăng cường công tác quy hoạch (xây dựng, đất đai, phát triển ngành...) đảm bảo mục tiêu đầu tư phát triển có hiệu quả và bền vững; quản lý và thực hiện nghiêm túc các quy hoạch. Chủ động, linh hoạt trong công tác thu hút đầu tư, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư vào địa bàn, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tìm kiếm đối tác cho các doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước; nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt bỏ thủ tục rườm rà, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình "Một cửa" và "Một cửa liên thông". Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các quy định của Nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm tiếp cận thông tin, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác phát triển nguồn nhân lực, có kế hoạch đào tạo lao động linh hoạt, sát với nhu cầu của doanh nghiệp...
Đinh Chúc