Cháu Nguyễn Thị Bích Ngọc, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Quảng Lạc (Nho Quan) là một trong những cháu có hoàn cảnh như vậy. Cha bị bệnh tâm thần, mọi gánh nặng mưu sinh đặt lên vai gầy của mẹ là chị Nguyễn Thị Chín. Sớm ý thức được hoàn cảnh của mình, nên tuy còn nhỏ tuổi, nhưng Ngọc đã biết giúp đỡ bố mẹ mọi việc nhà như băm bèo nuôi lợn, trồng rau, giặt giũ quần áo… Vất vả là vậy, nhưng Ngọc quyết tâm học thật tốt để không phụ lòng mẹ. Cháu tâm sự: Cháu biết hoàn cảnh nhà mình nghèo nên luôn phải cố gắng. Thường thì buổi sáng cháu thức dậy lúc 5 giờ để giúp mẹ làm việc nhà, sau đó tới trường, buổi chiều tham gia chăn nuôi gà, lợn với mẹ, còn buổi tối cháu dành cho việc học bài. Chỗ nào chưa hiểu, cháu đánh dấu lại rồi trao đổi với bạn bè hoặc nhờ thầy, cô giáo giúp đỡ… Nhờ đó, Ngọc có thành tích học tập rất đáng khen. Hai năm liền cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Hoàn cảnh của em Đinh Thị Hòa (thôn Đồng Tâm, xã Cúc Phương) cũng thật éo le. Bố bị bệnh, đau yếu quanh năm. Mọi lo toan cuộc sống đều đổ dồn vào đôi vai người mẹ. Để có tiền nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn học và tiền thuốc thang cho chồng, mẹ của Hòa phải làm đủ nghề, như phụ hồ, cấy thuê, gặt thuê… Tiền công mỗi ngày cũng được từ 50.000-80.000 đồng/ngày, nhưng lại không ổn định, trời mưa và những lúc đau yếu không gượng được mẹ em lại phải nghỉ ở nhà. Hòa xúc động: Khó khăn là vậy, nhưng mẹ vẫn động viên chúng em cố học cho bằng chúng bạn. Mẹ bảo: "Nếu không được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống của các con sau này lại cũng giống như của cha mẹ. Nếu thương bố mẹ, các con phải chăm ngoan, học giỏi để sau này tự kiếm nghề nuôi sống bản thân…". Không phụ lòng mẹ, Hòa xây dựng kế hoạch học tập thật khoa học, phù hợp với hoàn cảnh của mình. Hòa cố gắng thu xếp học bài vào buổi tối để ban ngày còn giúp mẹ việc đồng áng, cơm nước. Với những nỗ lực đó, nên thành tích học tập của em rất đáng khen. Nhiều năm liền em đạt học sinh khá, giỏi cấp trường. Cô học trò lớp 7 vùng cao chia sẻ: "Em ước sau này sẽ thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân để có điều kiện phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng hiện tại hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, nhiều lần nhìn mẹ vất vả quá mà đổ bệnh, em chỉ muốn xin mẹ cho nghỉ học để phụ giúp gia đình…" - Hòa ngậm ngùi nói với chúng tôi.
Thế nhưng, những ước mơ của các em học sinh nghèo hiếu học đó đang được chắp thêm đôi cánh, nghị lực của các em như được tiếp thêm sức mạnh bởi đã có rất nhiều doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và tổ chức xã hội sát cánh, động viên và giúp đỡ cho sự học của các em bằng những việc làm thiết thực. Điển hình như: Doanh nghiệp Xuân Trường, Doanh nghiệp Xuân Thành, Công ty Bảo Việt Nhân thọ tỉnh Ninh Bình, Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel… Ông Vũ Văn Luyện, Phó Giám đốc chi nhánh Vietel Ninh Bình khẳng định: Chúng tôi quan niệm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Chương trình "Vì em hiếu học" nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình kéo dài trong 10 năm. Tập đoàn cam kết trao 26.000 suất học bổng với tổng giá trị 26 tỷ đồng cho các em học sinh nghèo hiếu học trên toàn quốc. Đối với Ninh Bình, chúng tôi đã trao hàng trăm suất học bổng "Vì em hiếu học", mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho học sinh 6 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn và 5 xã khó khăn ở huyện Nho Quan. Hy vọng, cùng với sự chung tay của xã hôi, những món quà đậm tình nghĩa này sẽ là nguồn động viên giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thêm nghị lực đến trường.
Cùng với đó, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em khuyết tật cũng được đặc biệt quan tâm. Trong năm 2014, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, thị xã rà soát, lập danh sách 225 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em khuyết tật vận động, trẻ em sứt môi hở vòm miệng có nhu cầu phẫu thuật. Trong năm, đã tổ chức phẫu thuật an toàn cho 70 trẻ em, trong đó có 60 trẻ em bị khuyết tật vận động, bị sứt môi, hở vòm họng; 10 trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh… Đây là những hoạt động thiết thực nhất để tiếp sức cho các em khuyết tật có đủ sức khỏe, điều kiện để thực hiện ước mơ tới trường. Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, đây là nguồn động viên hết sức có ý nghĩa và thiết thực đối với gia đình các em học sinh nghèo. Sự ủng hộ của các nhà hảo tâm luôn được chúng tôi trân trọng và xác định phải sử dụng sự giúp đỡ này một cách hiệu quả nhất. Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các Hội Khuyến học ở cơ sở rà soát, lựa chọn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực sự, cùng với nhà tài trợ trao tiền đến tận tay các cháu. Trong nhiều năm qua, nhờ sự động viên, quan tâm kịp thời của các nhà hảo tâm trong cả nước, đã giúp cho hàng nghìn cháu có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, nhiều cháu giờ đây đã thành đạt và lại tiếp tục có những đóng góp trở lại với các thế hệ tiếp theo.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng