Thực tế cho thấy, những năm gần đây, sản xuất lúa gạo ở tỉnh ta liên tục được mùa, sản lượng và năng suất tăng qua các năm. Nhưng giá trị lúa gạo lại có xu hướng chững lại do gặp khó khăn trong thị trường tiêu thụ, giá lúa gạo bấp bênh, có lúc xuống thấp dưới 4.000 đồng/kg. Việc bảo quản, chế biến nông sản của bà con nông dân và các cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở hình thức sơ chế và xuất bán thô là chủ yếu, hầu hết không có quy trình chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch theo đúng quy định.
Điều này không chỉ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, mà còn làm hạn chế khả năng tiêu thụ cũng như giá trị của các sản phẩm nông sản.
Để nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo, mới đây Nhà máy chế biến bảo quản nông sản của Công ty cổ phần Tổng công ty giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình đã chính thức đi vào hoạt động có công suất lớn nhất khu vực miền Bắc.
Đây cũng là kết quả việc mạnh dạn đầu tư công nghệ của doanh nghiệp trong mô hình liên kết với nông dân, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo và mở ra hướng đi mới cho ngành sản xuất lúa gạo ở Ninh Bình.
Nhà máy được đầu tư công nghệ xay xát gạo tiên tiến, hiện đại của Nhật Bản, sản xuất khép kín từ khâu sấy, xay xát, đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu với công suất 50.000 tấn/năm.
Hiện nay giai đoạn I Dự án Nhà máy chế biến bảo quản nông sản Ninh Bình đã hoàn thành và đi vào hoạt động với công suất ban đầu là 30.000 tấn/năm. Đây là tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp Ninh Bình và của khu vực miền Bắc.
Với công suất này, Nhà máy có thể bao tiêu sản phẩm cho 500 ha vùng nguyên liệu sản xuất lúa của khu vực miền Bắc. So với các máy xay xát gạo thông thường, hệ thống dây chuyền của Nhà máy chế biến bảo quản nông sản Ninh Bình có thêm khả năng lau bóng, tách màu, lọc một số tạp chất. Hạt gạo sau khi thành phẩm đều, trắng, chất lượng được đảm bảo. Nhờ thế, giá trị gia tăng của hạt gạo tăng 1,5 lần so với xay xát thông thường.
Thực hiện chiến lược xuất khẩu các sản phẩm nông sản có chất lượng cao ra thị trường trong nước và thế giới, Công ty là doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc được Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp giấy chứng nhận VietGAP sản xuất theo quy trình sạch đảm bảo tiêu chuẩn. Đây là "tấm vé" thông hành để Công ty bước vào hội nhập trong giai đoạn hiện nay.
Việc lựa chọn gạo AIQ, thương hiệu gạo lớn nhất của Ninh Bình làm "Điểm bán hàng Việt" có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tôn vinh những sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương. Sự hỗ trợ này sẽ tạo đà cho những sản phẩm truyền thống có sức lan tỏa rộng rãi và được nhiều người dân trong tỉnh cũng như vùng lân cận biết đến. Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà tỉnh đã đề ra.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm