Có mặt tại Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 và thuyền viên tàu cá năm 2016 tại xã Kim Chính, huyện Kim Sơn do Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp &PTNT) phối hợp với Trường Cao đẳng nghề nông nghiệp &PTNT Thanh Hóa tổ chức mới đây, rất đông các lao động nghề cá trên địa bàn tỉnh đã theo học với tâm trạng rất phấn khởi. Anh Trần Văn Bằng, một học viên xã Kim Chính cho biết: Làm việc trên thuyền cá 4-5 năm nay nhưng tất cả những kiến thức, kỹ năng mà tôi có được đều là do tích lũy từ thực tế lao động, từ việc chỉ bảo của lớp người đi trước chứ bản thân chưa được học qua một lớp đào tạo chính quy nào. Lần này được Nhà nước tạo điều kiện đào tạo về nghiệp vụ, tôi rất háo hức và mong mình sẽ tiếp thu được các kiến thức mới để đi biển an toàn và khai thác hải sản hiệu quả hơn.
Ông Trần Văn Diệm, Chủ nhiệm HTX Khai thác hải sản Kim Chính chia sẻ: Hiện HTX có 4 tàu cá đánh bắt xa bờ công suất lớn đang hoạt động và dự kiến thời gian tới sẽ có thêm 2 tàu cá vỏ thép đóng mới theo chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị định 67 được đưa vào khai thác, do vậy chúng tôi đang cần thêm một số lượng lớn các lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản.
Sở hữu 15 km chiều dài bờ biển, Ninh Bình được đánh giá là một trong những địa phương có thế mạnh, tiềm năng kinh tế biển. Những năm gần đây, đội tàu đánh cá của tỉnh không ngừng gia tăng về số lượng, đặc biệt nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư một số tàu công suất lớn, hiện đại để khai thác cá ở những ngư trường lớn, xa bờ. Theo thống kê từ Phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản), hiện Ninh Bình có khoảng 90 tàu khai thác hải sản, trong đó có 60 tàu có công suất trên 20 mã lực và 6 tàu có công suất 110 - 450 mã lực. Để thúc đẩy phát triển nghề khai thác hải sản trên địa bàn tiếp tục phát triển, tỉnh đã và đang đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa nghề cá với việc hỗ trợ ngư dân đóng mới các tàu cá vỏ thép theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Song song với đó, tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề miễn phí cho ngư dân nhằm tạo nguồn lao động có tay nghề cao, hiểu biết các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trước hết, trong năm 2016, mở 3 lớp, một lớp thuyền trưởng, một lớp máy trưởng và 1 lớp thuyền viên với tổng số 80 học viên.
Theo ông Phạm Xuân Hiển, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề nông nghiệp & PTNT Thanh Hóa - đơn vị đào tạo các lớp học này cho biết: Ngư dân hiện nay đang thiếu 4 vấn đề cơ bản đó là thiếu kỹ năng phòng, chống bão; thiếu trang bị và sử dụng thiết bị an toàn lao động; thiếu các kiến thức về những quy định quy chế trong khai thác, phân chia vùng khai thác giữa các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, chuyển việc xác định vị trí từ định vị sang hải đồ để khai thác cũng đang khiến cho nhiều ngư dân bỡ ngỡ. Do vậy, qua các lớp đào tạo này chúng tôi sẽ bổ sung cho họ các kiến thức về pháp luật; công tác quản lý tàu, điều động tàu chuẩn bị ra khơi; việc khai thác hàng hải, hải sản; các nghiệp vụ vận hành máy; cách bảo quản sản phẩm cũng như phương pháp khai thác và bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản… Cùng với nghe giảng dạy về lý thuyết, các học viên được trực tiếp thực hành trên tàu cá thật, được tiếp xúc với những trang thiết bị tàu cá hiện đại nhất.
Tin tưởng với những cơ chế hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, của tỉnh trong việc tạo điều kiện cho ngư dân đóng tàu vỏ thép cũng như đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian tới nghề cá trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương lên tầm cao mới n
Hà Phương