Nhân "Hội thảo truyền thông về chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella" do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức tại Hà Nội, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng những nội dung liên quan đến chiến dịch tiêm chủng.
PV: Xin giáo sư cho biết, vì sao lần đầu tiên chiến dịch tiêm phòng sởi- rubella lại kết hợp cả hai loại vắc xin sởi-rubella trong cùng một mũi tiêm?
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Tiêm vắc xin sởi-rubella là biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả, được sử dụng rộng rãi trên thế giới hơn nửa thập kỷ qua. Tại Việt Nam, vắc xin sởi đã được tiêm cho hàng chục triệu trẻ em nên bệnh sởi ở nước ta đã cơ bản được khống chế, tuy nhiên dịch sởi vẫn tái xuất hiện ở một số nơi theo chu kỳ với đỉnh dịch thấp dần. Còn đối với rubella, cho đến nay vắc xin rubella vẫn chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, dịch rubella vẫn xảy ra, dẫn đến hội chứng rubella bẩm sinh có số mắc cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội. Thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, được Chính phủ và Bộ Y tế cho phép, với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia đã đưa vắc xin rubella vào chương trình dưới dạng vắc xin phối hợp sởi-rubella. Đây là chiến dịch tiêm chủng toàn quốc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay cho hơn 20 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi trong các năm 2014-2015 với mục đích bảo vệ đồng thời cho trẻ em khỏi mắc 2 bệnh sởi và rubella, tiến tới loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh. Sau chiến dịch, vắc xin sởi đơn và vắc xin phối hợp sởi-rubella sẽ tiếp tục được triển khai tiêm chủng theo lịch trong tiêm chủng mở rộng các năm tiếp theo.
PV: Thưa giáo sư, nhiều phụ huynh băn khoăn về chất lượng của vắc xin sởi-rubella và thắc mắc giữa tiêm vắc xin dịch vụ có an toàn hơn là sử dụng vắc xin tiêm trong chiến dịch?
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Loại vắc xin sởi-rubella sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng năm 2014-2015 là vắc xin do hãng Serum Institute (ấn Độ) sản xuất. Vắc xin này đạt tiêu chuẩn tiền kiểm định của Tổ chức Y tế thế giới, do Liên minh toàn quốc vắc xin và tiêm chủng hỗ trợ kinh phí và do quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) mua và cung ứng cho Việt Nam. Vắc xin đã được sử dụng tại hàng chục nước trên thế giới. Vắc xin sởi-Rubella là vắc xin phối hợp phòng bệnh sởi và bệnh rubella, là vắc xin an toàn, sau tiêm có thể gặp một số phản ứng như: đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ kéo dài trong 1-2 ngày, phát ban xuất hiện từ 7- 10 ngày sau khi tiêm, nổi hạch, đau cơ và cảm giác khó chịu. Phản ứng nặng như giảm tiểu cầu, sốc phản vệ rất hiếm gặp. Vắc xin rất hiếm khi gây ra phản ứng dị ứng như: nổi mề đay, ngứa và phát ban dị ứng trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng. Các mũi vắc xin tiêm chủng sởi- rubella thì cả dịch vụ và trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều có nhưng tiêm dịch vụ gây tốn kém về kinh phí, không cần thiết. Trong khi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng lại miễn phí mà vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả. Việt Nam đã có 30 năm kinh nghiệm triển khai và thực tế hiệu quả từ việc tiêm chủng đầy đủ đã giúp cho hàng triệu trẻ em phòng, chống được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi…
PV: Xin giáo sư cho biết, tiêm vắc xin sởi-rubella có hiệu quả như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Bệnh sởi và rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó tiêm vắc xin sởi- rubella là cách duy nhất để phòng bệnh một cách chủ động và hiệu quả. Vắc xin phối hợp sởi-rubella giúp bảo vệ đồng thời cho trẻ em khỏi mắc hai bệnh sởi và rubella và phòng hội chứng rubella bẩm sinh ở trẻ em, hiệu quả bảo vệ của vắc xin đạt 95%. Tuy nhiên, cũng như các vắc xin khác, tiêm vắc xin sởi-rubella không có hiệu quả phòng bệnh tuyệt đối 100%. Đáp ứng miễn dịch còn tùy thuộc vào tuổi tiêm vắc xin, loại vắc xin, đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng người, chất lượng vắc xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhờ tiêm chủng vắc xin sởi-rubella mà bệnh sởi, bệnh rubella cũng như hội chứng rubella bẩm sinh đã giảm mạnh. Nhiều nước ở châu Mỹ, châu Âu bệnh đã được loại trừ.
PV: Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi!
Phan Hiếu (Thực hiện)