Mô hình nuôi rươi bán tự nhiên được gia đình ông Nguyễn Văn Hiệu (xóm 10, xã Chất Bình) thực hiện trên diện tích 2 sào đất trồng lúa. Ông Hiệu giải thích, gọi là phương pháp nuôi rươi bán tự nhiên là bởi sử dụng nguồn giống nhân tạo, song nuôi thả trong môi trường tự nhiên - đất trồng lúa, ngoài nguồn thức ăn có sẵn trong môi trường sống, người nuôi vẫn bổ sung thêm thức ăn cho rươi sinh trưởng và phát triển. Ông Hiệu cho biết: Để có môi trường sống thích hợp cho rươi sinh sống, từ vụ đông xuân năm 2019, gia đình tôi đã tiếp cận phương pháp canh tác lúa theo hướng hữu cơ, không sử phân bón và thuốc trừ sâu hóa học mà sử dụng hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ vi sinh.
Sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân, ông Hiệu tiến hành tiêu độc khử trùng và bón phân hữu cơ lên men để tiếp tục cải tạo đất. Khi tiến hành lấy nước vào ruộng, cần điều chỉnh độ mặn hợp lý để tạo môi trường phù hợp, từ 2-10%. Tháng 6/2019, ông Hiệu bắt đầu thả ấu trùng rươi vào ruộng.
Ông Hiệu chia sẻ: Giai đoạn đầu nuôi thả cần bổ sung các loại vi sinh vật và bột tảo xoắn để làm thức ăn cho ấu trùng sinh trưởng. Trong quá trình sinh trưởng, cứ mỗi tuần 1 lần, tôi hòa tan cám cá và bột đậu tương vào nước rồi phun đều lên mặt ruộng.
Đến nay, rươi đã trưởng thành và có thể thu hoạch. Biện pháp thu hoạch cũng khá đặc biệt, đó là cấp nước vào ruộng nuôi để rươi nổi lên trên mặt nước rồi dùng lưới để vớt. Ông Hiệu cho biết: Tôi đã thu được hơn 10kg rươi, giá bán là 450 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi đã thu lãi hơn 3 triệu đồng. Được biết, mô hình nuôi rươi được kỳ vọng đạt sản lượng từ 30-50kg/sào.
Người đưa giống rươi về và chuyển giao kỹ thuật nuôi cho gia đình ông Hiệu là ông Trương Hải Lưu, xóm 7, xã Quang Thiện. Ông Lưu chia sẻ với chúng tôi: Trước đây, rươi chỉ có thể khai thác tự nhiên ở vùng ven bãi. Giờ đây, môi trường ngày càng ô nhiễm nên số lượng rươi tự nhiên giảm đáng kể, trước đây có 10 thì nay chỉ còn 1.
Nhận thấy nguồn lợi lớn từ việc nuôi rươi trên bãi bồi sông Đáy, tôi đã tìm hiểu và tiếp cận nguồn giống rươi nhân tạo được phát triển bởi Tiến sỹ Hà Văn Nhân, nguyên Viện trưởng Viện Cây và lương thực, thực phẩm Việt Nam. Ngoài mô hình tại xã Chất Bình, tôi còn triển khai thêm mô hình trồng lúa hữu cơ và nuôi rươi tại xã Quang Thiện.
Qua đánh giá bước đầu, có thể nói mô hình nuôi rươi đã thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa khoảng 10 lần. Từ những thành công này, trong năm 2020 tôi sẽ mở rộng diện tích mô hình lên 3ha để tiếp tục khảo nghiệm hiệu quả kinh tế. Qua đó tôi mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của bản thân để đem lại cho người nông dân hướng phát triển kinh tế mới có hiệu quả.
Mô hình nuôi rươi là một mô hình mới đối với tỉnh ta. Tuy nhiều địa phương khác trong cả nước đã áp dụng và thành công. Song tính thực tiễn và hiệu quả vẫn cần tiếp tục được kiểm chứng. Và nếu thành công, đây sẽ là một hướng phát triển kinh tế mới đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân, cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bài, ảnh: Thái Học