Có các con sông lớn như: sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vạc; có cảng biển, cảng sông khá thuận tiện trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa các vùng miền trong cả nước và quốc tế. Ninh Bình có nhiều tài nguyên khoáng sản như nước khoáng nóng, đá vôi… và được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú như: Khu du lịch hang động Tràng An, Tam Cốc, Vân Long, Kênh Gà, Vườn quốc gia Cúc Phương và có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Cố đô Hoa Lư, Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Nhà thờ đá Phát Diệm và mới đây là Chùa Bái Đính với nhiều kỷ lục được ghi nhận.
Nhân dân Ninh Bình giàu truyền thống yêu quê hương, đất nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh hùng, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, cùng với sự nỗ lực cải cách hành chính, mở cửa hội nhập, Ninh Bình đã và đang thực sự khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện công cuộc đổi mới và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình hăng hái thi đua, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đặc biệt, từ sau ngày tái lập tỉnh (4-1992) đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến nay tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả kinh tế - xã hội tương đối toàn diện.
Kinh tế của tỉnh tăng trưởng liên tục và đạt tốc độ tăng khá; GDP bình quân thời kỳ 1992-1995 đạt tốc độ tăng 13,3%; thời kỳ 2006-2011 đạt 15,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; năm 2011, cơ cấu kinh tế trong GDP của tỉnh là: công nghiệp - xây dựng chiếm 49%, dịch vụ 36% và nông, lâm nghiệp và thủy sản là 15%. Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, vững chắc; an sinh xã hội được đảm bảo, đã thực hiện xóa được đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm; tỷ lệ lao động được đào tạo và có việc làm tăng; các tai, tệ nạn xã hội giảm. Công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Có được kết quả trên, một trong những nguyên nhân quan trọng là tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh hoạt động kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư trên địa bàn. Từ một địa phương sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, lạc hậu, Ninh Bình đã vươn lên đang dần trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với công nghiệp và du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7 khu công nghiệp, 23 cụm công nghiệp. Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được tập trung chỉ đạo bằng các chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể. Hiện tại Khu công nghiệp Gián Khẩu đã cơ bản lấp đầy, các khu công nghiệp Tam Điệp, Khánh Phú đã thu hút được nhiều dự án lớn, quan trọng vào đầu tư. Các khu công nghiệp còn lại đang tích cực triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư.
Đi đôi với hoàn chỉnh quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh Ninh Bình đã ban hành các chính sách thu hút, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư về đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại Ninh Bình. Với cơ chế, chính sách ưu đãi thông thoáng, thủ tục hành chính nhanh chóng cộng với các lợi thế về điều kiện địa lý và tài nguyên khoáng sản, trong những năm qua đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến đầu tư và phát triển tại Ninh Bình. Nhiều dự án sản xuất công nghiệp đã sớm hoàn thành đầu tư, đi vào sản xuất, tạo sản phẩm mới, đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 đạt gần 13 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 264 triệu USD; góp phần quan trọng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Về phát triển du lịch, dịch vụ, Tỉnh ủy Ninh Bình đã có Nghị quyết số 15 về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2010, tầm nhìn năm 2015, trong đó xác định phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển. Xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cho du lịch, đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên. Hoạt động du lịch, dịch vụ với các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, nhất là dịch vụ du lịch tại các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động, Cố đô Hoa Lư... Các dự án đầu tư đã và đang phát huy hiệu quả, khai thác được tiềm năng, thế mạnh về du lịch của Ninh Bình. Nhờ đó, doanh thu về du lịch và số lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng năm sau cao hơn năm trước.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Ninh Bình những năm qua có nhiều khởi sắc; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng khá; năng suất lúa năm sau cao hơn năm trước; những cánh đồng mẫu lớn trên 100 ha đã được đầu tư và nhân rộng, diện tích lúa chất lượng cao đã đạt trên 40%. Diện tích vụ đông được mở rộng và trở thành vụ sản xuất chính. Sản lượng lương thực có hạt hàng năm đạt 50 vạn tấn, đưa bình quân lương thực đầu người đạt 525kg/người/năm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng sản xuất công nghiệp, ngày càng xuất hiện nhiều trang trại, gia trại có diện tích lớn với nhiều con nuôi đặc sản có giá trị cao.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng và tích cực hưởng ứng tham gia phong trào. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, nhất là 25 xã làm trước về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Công tác hỗ trợ vật liệu, nhất là xi măng đang được đẩy mạnh nhằm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với trên 14 nghìn tấn xi măng đưa đến các thôn, xóm để xây dựng trên 900 tuyến đường giao thông với chiều dài trên 95 km.
Có thể nói, các dự án đầu tư tại Ninh Bình thời gian qua đã góp phần quan trọng làm cho kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng có bước phát triển. Tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ trong nền kinh tế của Ninh Bình ngày càng tăng. Số thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động tăng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các doanh nghiệp, các Nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Ninh Bình được chào đón, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để yên tâm sản xuất, kinh doanh và đang phát triển. Tuy vậy, nhiều lĩnh vực như công nghiệp chế biến, lắp ráp điện tử, sản xuất công nghiệp phụ trợ công nghệ cao vẫn chưa có nhà đầu tư tương xứng; nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn để ngỏ, tiềm năng, thế mạnh của Ninh Bình vẫn chưa thực sự được phát huy. Trong thời gian tới, Ninh Bình rất cần nhiều nhà đầu tư hơn nữa đến để đầu tư sản xuất, kinh doanh với mục đích chung là cùng phát triển.
Ngày nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Dự báo đến năm 2013, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục gặp phải những khó khăn như nguy cơ bất ổn và lạm phát. Trong điều kiện đó, nhiệm vụ đặt ra là chúng ta vẫn phải tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XX, quyết tâm phấn đấu "Xây dựng Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng".
Một số mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 2010-2015 là: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 14%; tốc độ giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hàng năm 15% (trong đó công nghiệp tăng 16%); dịch vụ du lịch tăng 19%; nông, lâm, thủy sản tăng 2,5%; GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 50 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân đạt 15.000 tỷ đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 300 triệu USD… Mỗi năm giảm bình quân 2,5% hộ nghèo trở lên để đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 7% (theo tiêu chí mới)…
Để đạt được các mục tiêu đó, trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung thu hút, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp với các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm mới để khai thác có hiệu quả các nguồn lực, làm tăng giá trị sản xuất. Một số dự án tỉnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư là: Xây dựng công viên động vật hoang dã; xây dựng hạ tầng kỹ thuật các Khu công nghiệp Phúc Sơn, Tam Điệp; xây dựng Nhà máy bia, Nhà máy Thực phẩm chức năng, Nhà máy Chế biến sữa; Nhà máy Nhiệt điện, Nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại di động, Nhà máy công nghiệp phụ trợ…
Khi đầu tư vào Ninh Bình, các nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ, khuyến khích đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi theo Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 18-11-2012 của UBND tỉnh. Theo đó, cụ thể là các dự án đầu tư vào từng địa phương sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất; ưu đãi về hạ tầng kỹ thuật; được ưu đãi về vốn, về thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo lao động, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, hỗ trợ thông tin, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương… Tỉnh Ninh Bình cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách ưu đãi đã quy định đối với các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và làm các thủ tục đầu tư vào địa phương. Chủ trương của Ninh Bình đối với các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại tỉnh là: "Doanh nghiệp phát tài, Ninh Bình phát triển".
Xin nhiệt liệt hoan nghênh các nhà đầu tư đến đầu tư tại Ninh Bình.
Bùi Văn Thắng
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh