Vào thế kỷ X, nơi đây có Cố đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt (từ năm 968 đến năm 1010). ở vùng Hoa Lư vào thời Trần có Hành Cung, Vũ Lâm, được coi là một đại bản doanh của triều đình thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm. ở Ninh Bình, vùng cực nam đồng bằng Bắc Bộ có một "cổ họng bắc nam" (thuộc địa phận thị xã Tam Điệp) mà con đường Thiên lý đi qua. Ninh Bình có cả một vùng đất mở Kim Sơn. Nơi đây mỗi năm đất sa bồi mở rộng ra biển tới trăm mét. Vị thế khá đặc biệt và điều kiện tự nhiên phong phú chính là những cơ sở, điều kiện cho sự hình thành và lưu tồn một nền kinh tế cùng những di sản văn hóa đặc sắc.
Trong cơ cấu kinh tế cổ truyền ở Ninh Bình, ngoài nông nghiệp là phổ biến thì còn có khá nhiều nghề thủ công truyền thống. Dân gian vẫn lưu truyền những câu châm ngôn quen thuộc như: "Ruộng bề bề chẳng bằng nghề chân tay", "Nhất nghệ tinh nhất thân vinh".
Qua kết quả khảo sát sơ bộ được biết: trên địa bàn Ninh Bình có tới trên bốn mươi nghề thủ công. Những nghề được lưu tồn và phát triển bền vững, ngày càng phát huy được tiềm năng, thế mạnh tiêu biểu là: nghề chế tác đá (ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư); nghề thêu ren (tập trung ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư và một số địa phương); nghề chế tác cói (ở địa bàn huyện Kim Sơn), nghề mộc (tập trung nhiều ở xã Ninh Phong, nay thuộc thị xã Ninh Bình), nghề sành gốm ở Long Thịnh (Nho Quan), nghề mây tre đan ở nhiều địa phương...
Mỗi nghề cổ truyền thường có nguồn gốc gắn liền với một vị thành hoàng, một vị tổ nghề là người có công truyền dạy kỹ năng hoặc khẩn hoang lập ấp thời xưa. Cội nguồn mỗi nghề nghiệp, dù đã được huyền thoại hóa thì đó vẫn là những dấu ấn, sắc thái văn hóa đáng tự hào của nhân dân địa phương. ở những làng nghề, vùng nghề nêu trên vẫn lưu truyền châm ngôn: "Hãy coi việc học nghề như học đạo làm người". Nghề thêu ren ở vùng Hoa Lư tương truyền có từ thời nhà Trần, do bà Kim Dung truyền dạy cho nhân dân địa phương quanh khu vực điện Thái Vi, thuộc địa bàn xã Ninh Hải ngày nay. Nghề chạm khắc đá ở xã Ninh Vân, theo các cụ nghệ nhân cho biết thì đã có từ rất lâu đời, do vị tổ nghề là thành hoàng làng Hệ, làng Xuân Vũ thuở xưa truyền dạy. Nghề mộc ở làng Phúc Lộc cũng có tổ nghề là thành hoàng làng, được thờ ở ngôi đình làng tọa lạc ở địa phận thôn Trong. Nghề cói ở khắp huyện Kim Sơn là một thành quả của công cuộc khẩn hoang xưa kia do cụ Nguyễn Công Trứ, vị doanh điền sứ tài ba, một nhà thơ nức tiếng đảm trách. Nghề dâu tằm xưa kia ở vùng núi đồi Tam Điệp tương truyền do bà Tiên chúa nương dâu truyền dạy...
Các nghề truyền thống tiêu biểu ở Ninh Bình đều đã trải qua những thăng trầm, biến cải, với những yếu tố điều kiện là: truyền thống nghề nghiệp, số nghệ nhân và thợ lành nghề, nguồn nguyên vật liệu và đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Quá trình bảo tồn, phát triển về quy mô các làng, vùng nghề, nâng cao giá trị của sản phẩm đều phải dựa vào những điều kiện cơ bản đó. Từ lâu đời, các nghề truyền thống ở Ninh Bình, cũng như trong cả nước được hình thành và lưu tồn theo lối gia truyền, "tộc truyền" lâu bền qua bao thế hệ, triều đại, song nhìn chung là nhỏ lẻ, chế tác hoàn toàn bằng thủ công. Ngày nay, quy trình chế tác sản phẩm đã có nhiều tiến bộ.
Nghề chiếu cói ở Kim Sơn hiện rất giàu tiềm năng và thế mạnh. Qua hàng trăm năm quai đê lấn biển, Kim Sơn có được những bãi sa bồi mênh mông là xứ sở của loài cây cói thì nguồn nguyên liệu cói thật dồi dào để nghề chế tác sản phẩm cói không ngừng phát triển. Từ sau hòa bình, thống nhất đất nước, sản phẩm cói Kim Sơn có thị trường xuất khẩu rộng lớn là Liên Xô, các nước Đông Âu và một số nước khác, đem lại nguồn thu nhập chiếm tỷ trọng cao cho nhân dân địa phương. Trong những năm gần đây và hiện nay, kinh tế thị trường phát triển, đời sống không ngừng được nâng cao thì nhu cầu về các sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân cũng không ngừng gia tăng, trong đó có nhu cầu về các sản phẩm bằng cói quen thuộc. Các sản phẩm bằng cói ở Kim Sơn ngày nay rất phong phú, đa dạng như: chiếu cói, thảm cói, làn cói, hộp cói, mũ cói... cung cấp cho thị trường cả nước và quốc tế.
Nghề thêu ren ở Ninh Bình cũng đặc biệt phát triển trong cơ chế kinh tế thị trường, với các hợp đồng kinh tế của các doanh nhân. Kèm theo các hợp đồng kinh tế là những mẫu mã sản phẩm thêu ren rất đa dạng đến từ các nước như: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật... Nguồn nguyên liệu cho nghề thêu ren hiện rất phong phú về chủng loại, chất liệu như: vải vóc, chỉ thêu, phẩm màu, được sản xuất ở cả trong và ngoài nước. Nghề thêu ren ngày nay đã có thêm máy móc hỗ trợ để tăng năng suất và đạt độ chính xác cao, đó là các loại máy thêu, các thiết bị hấp sấy, thiết bị dùng để chế tác ra mẫu mã hoa văn, họa tiết, đường nét sản phẩm.
Nghề mộc ở Ninh Bình phổ biến ở nhiều địa phương, song có một làng nghề rất tiêu biểu, đặc sắc là làng Phúc Lộc. Làng có trên 600 hộ gia đình, có tới trên 500 người thợ và hàng trăm lao động phụ cùng tham gia chế tác sản phẩm gỗ. Sản phẩm ở đây rất phong phú và thông dụng như: giường, tủ, bàn ghế sa lông, cửa gỗ, các thiết bị nội thất bằng gỗ, đảm bảo uy tín về chất lượng, hợp lý về giá cả. Nơi đây cũng có nhiều nghệ nhân lão luyện tay nghề tạo tác ra những sản phẩm sang trọng, quý giá như tủ chè, sập gụ chân quỳ dạ cá, chạm trổ hoa văn tinh xảo tuyệt đẹp, hoặc tạc tượng, chế tác sản phẩm phục vụ tế lễ, kiến thiết đền chùa, nhà thờ và những công trình kiến trúc đặc sắc. Hầu hết các gia đình, cơ sở chế tác sản phẩm gỗ ở đây đều có trang bị máy móc với nhiều tác dụng như: cưa, bào, khoan, tiện, đánh bóng... để giảm đi cường độ lao động nặng nhọc của người thợ và tăng năng suất nhiều lần so với lao động thủ công xưa kia. Hiện nay, tổng giá trị thu nhập bằng nghề mộc hàng năm của cả làng Phúc Lộc ước tính khoảng 4 - 5 tỷ đồng, chiếm tới 70% tỷ trọng tổng giá trị thu nhập kinh tế.
Nghề chế tác đá ở xã Ninh Vân (Hoa Lư) từ khoảng vài ba chục năm trở lại đây và đặc biệt hiện nay mới thực sự sôi động chưa từng thấy. Xưa kia, nghề đá chủ yếu chế tác ra những sản phẩm thông dụng như chậu cảnh, cối đá, đá tảng cổ bồng, những con giống làm cảnh. Những sản phẩm nghệ thuật cao cấp bằng đá thường chỉ tập trung ở những công trình văn hóa - tín ngưỡng như nhà thờ, đền, chùa mà các nghệ nhân địa phương được mời đến để chế tác. Ngày nay thì đã khác hẳn. Nghệ nhân đá Ninh Vân có thể vừa sản xuất tại chỗ, kể cả sản phẩm có quy mô lớn, nặng tới nhiều tấn, vừa có thể đi chế tác lưu động tại bất kỳ nơi nào trong cả nước. Nhu cầu về sản phẩm đá đang ngày một tăng cao do nhu cầu xây dựng, kiến thiết các công trình như đền, chùa, nhà thờ, tượng đài, lăng tẩm... Khó có thể kể hết các loại sản phẩm đá của người Ninh Vân như: tượng thờ, tượng đài, tượng nghệ thuật, bể cảnh, thống đá, các con giống, tứ linh, lư hương, cây đèn, cột trụ... Ngày nay có các máy móc, phương tiện dùng trong khai thác đá nguyên liệu và chế tác sản phẩm như máy khoan, máy cưa, máy mài các loại, có các phương tiện vận chuyển hiện đại, đường sá giao thông thuận tiện. Với ưu thế về nguồn nguyên vật liệu đá tại địa phương, kỹ năng, bí quyết và truyền thống nghề nghiệp, nghề chế tác, chạm khắc đá ở Ninh Vân có thể đáp ứng hầu hết các yêu cầu của khách hàng từ mọi nơi...
Các nghề truyền thống ở Ninh Bình, đặc biệt là những nghề tiêu biểu chắc chắn sẽ không ngừng vươn dậy và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh trong những điều kiện, vận hội mới như hiện nay và mai sau.
Nguyễn Quang Hải