PV: Xin đồng chí cho biết về tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình?
Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận các ca mắc sởi lẻ tẻ. Toàn tỉnh có 9 trường hợp mắc bệnh sởi và 2 trường hợp mắc sởi do Bệnh viện Trung ương thông báo về (1 ca ở Yên Mô, 1 ca ở Yên Khánh nhưng không rõ ở xã nào). Tuy nhiên, các trường hợp trên sau khi nhập viện điều trị đã khỏi bệnh và ra viện.
Qua điều tra dịch tễ, các trường hợp trên đều chưa tiêm vacxin sởi. Mặc dù công tác truyền thông phòng, chống bệnh sởi được ngành Y tế quan tâm đẩy mạnh nhưng thời gian qua số trẻ được gia đình đưa đi tiêm chủng chưa cao. Theo thống kê kết quả tiêm chủng tháng 3- 2014 của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tỷ lệ tiêm vét vacxin phòng dịch sởi chỉ đạt 57,47%, trong đó một số đơn vị đạt thấp như: thành phố Ninh Bình 34,8%, thị xã Tam Điệp 35,1%, huyện Hoa Lư 36,3%...
Điều này cho thấy các gia đình, các bậc phụ huynh có con nhỏ chưa thực sự hiểu và quan tâm đến việc đưa con em đi tiêm chủng để phòng, chống dịch bệnh.
PV: Bệnh sởi cũng có một số dấu hiệu gần giống với một số bệnh khác như sốt phát ban, xin đồng chí cho biết các dấu hiệu để nhận biết bệnh sởi?
Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, xuất hiện chủ yếu ở trẻ em. Đây là bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông-xuân. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh sởi thường có các dấu hiệu: sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5oC- 40oC, có thể có sốt cao co giật, kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau khớp. Ngoài ra, còn có triệu chứng chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ, hắt hơi, sổ mũi, ho đàm, khàn giọng. Đặc biệt, ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ, sau đó ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân. Ban sởi có màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa.
Để phân biệt sởi với các bệnh lý sốt phát ban khác với bệnh sởi, các ban đỏ thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, bắt đầu từ mặt sau đó lan xuống dưới chân, tay và rộng ra toàn thân. Vì thế khi thấy dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban, có triệu chứng viêm đường hô hấp, viêm kết mạc thì cần nghĩ ngay đến bệnh sởi và phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
PV: Thưa đồng chí, để phòng, chống bệnh sởi, những gia đình có con nhỏ cần quan tâm đến những vấn đề gì?
Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Do đặc thù của bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, có tính lây truyền cao nên tất cả những người chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vacxin sởi đều có thể cảm nhiễm với bệnh sởi.
Trước tình hình bệnh sởi đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong cả nước, nhiều bà mẹ đã có những cách khác nhau để phòng, chống bệnh sởi cho con như: mua hạt, lá rau mùi về tắm cho con… Tuy nhiên, để phòng, chống bệnh sởi cho trẻ nhỏ, các gia đình cần quan tâm thực hiện tốt các vấn đề sau: Tiêm phòng vacxin sởi cho con bởi tiêm vacxin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Để phòng bệnh sởi có hiệu quả, trẻ em cần được tiêm 2 mũi vacxin sởi, mũi thứ nhất thực hiện khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi thứ hai thực hiện khi trẻ 18 tháng tuổi; Hướng dẫn và giúp trẻ thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân như: rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, biết vệ sinh răng miệng, che miệng khi ho, hắt hơi; có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ nhằm nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua tăng cường dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng; thực hiện vệ sinh môi trường, tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi của trẻ thường xuyên; tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh sởi.
PV: Xin cảm ơn bác sỹ !
Phan Hiếu (Thực hiện)