Vốn là người rất thích món ăn rau bí xào tỏi, nhưng 2 lần vừa qua, mỗi lần cách nhau vài ngày, lần nào ăn chị Định, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) cũng bị đau bụng đi ngoài, rất may không phải vào viện cấp cứu. Nhìn những mớ rau bí xanh non, ngọn dài mơn mởn, lại nhận được lời khẳng định "như đinh đóng cột" của người bán hàng "rau nhà bác tự trồng, đất mới nên nó tốt thế, rau sạch đấy, ngày nào bác cũng ăn"…, nhưng sự thực sau ăn thì phiền toái khiến chị muốn "cạch đến già". Không chỉ riêng rau bí, hầu hết các loại rau xanh hiện nay đều được người tiêu dùng khuyên nhau "cảnh giác" vì người trồng sử dụng đủ các loại thuốc, như kích thích để rau nhanh lớn, phun thuốc trừ sâu để chống sâu bệnh, dùng phân hóa học quá liều lượng, sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn để tưới… khiến hầu hết các loại rau xanh không đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Cùng với các loại rau xanh không đảm bảo chất lượng là nhiều loại thực phẩm tại chợ không đảm bảo vệ sinh, nhiễm bẩn, trong khi hầu hết người dân vẫn đang sử dụng thực phẩm mua tại chợ là chủ yếu. Có dịp "mục sở thị" không chỉ một số chợ tại thành phố Ninh Bình, mà nhiều chợ vùng nông thôn, từ các xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Nho Quan cũng như miền biển Kim Sơn, đều nhận thấy bằng cảm quan mắt thường, hầu hết các chợ đều bẩn thỉu và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhất là vào thời điểm cuối mỗi buổi chợ, các loại mùi cá ươn, thịt thiu, rau, cua thối… trộn lẫn mùi dầu mỡ, phân gà vịt…, mùi nước cống lâu ngày không thoát, tạo thành một mùi rất riêng - "mùi chợ" khiến ai đi qua cũng bịt mũi và bước cho nhanh.
Đi tìm lời giải cho thực phẩm sạch, được biết, để thực phẩm có nguồn gốc động vật bảo đảm an toàn, hàng năm, Chi cục thú y tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo hệ thống thú y cấp huyện, thú y cơ sở khuyến cáo người chăn nuôi đưa vào những con giống khỏe, sạch; đồng thời quản lý chặt tình hình dịch bệnh, bám sát quá trình chăn nuôi để có biện pháp phòng chống kịp thời dịch bệnh, từ đó cho sản phẩm từ động vật đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo sức khỏe người sử dụng. Chi cục VSATTP tỉnh cũng vào cuộc quyết liệt để kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể, thực phẩm bán tại chợ; tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát cũng chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả đạt được chưa cao, vẫn còn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Nhân "Tháng hành động vì chất lượng VSATTP" năm 2006, với chủ đề "Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn", các Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ… nhằm từng bước chấn chỉnh các hoạt động. Theo đó, trong tháng, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của tỉnh (gồm Chi cục An toàn VSTP, Quản lý thị trường, Công an, phòng Y tế thành phố Ninh Bình) đã tiến hành thanh, kiểm tra công tác đảm bảo VSATTP tại một số chợ trên địa bàn thành phố, như chợ Rồng (phường Vân Giang), chợ Mía (phường Ninh Khánh), chợ Kim Đồng (phường Phúc Thành). Qua kiểm tra thực tế cho thấy, có khá nhiều sạp hàng buôn bán thịt các loại, măng, rau, củ, quả tại các chợ không có hợp đồng mua bán, thực phẩm bày bán chưa có giá kệ kê phù hợp tiêu chuẩn, môi trường hầu hết không sạch sẽ, thoáng đãng... Đoàn đã lấy ngẫu nhiên một số mẫu thịt, măng tươi ngâm, rau củ quả… để xét nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm có chứa chất tạo nạc trong chăn nuôi, phẩm mầu, chất bảo quản hay không.
Với 10 mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy ngẫu nhiên, gồm 3 mẫu măng củ, măng lá, 4 mẫu thịt lợn và 3 mẫu rau xanh để kiểm tra các hóa chất độc hại, cho thấy: 3 mẫu măng củ, măng lá tuy không có chất Auramine (chất vàng ô) nhưng lại chứa chất Xyanua (là chất cực độc với cơ thể); trong đó, có 1 mẫu có hàm lượng Xyanua là 17,0 mg/kg; 1 mẫu có hàm lượng Xyanua là 27,00 mg/kg) và 1 mẫu có hàm lượng Xyanua là 4,30 mg/kg), tất cả đều không đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng. Đối với các mẫu thịt lợn, không phát hiện có chất Salbutamol (chất tạo nạc trong chăn nuôi) nhưng việc bảo quản thực phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh không đạt yêu cầu, như có mùi ôi thiu, nhiễm bẩn trong quá trình bảo quản, bày bán tại chợ. ở một số loại rau xanh cũng phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật… Ngoài ra, còn khá nhiều loại thực phẩm tại chợ không đảm bảo tiêu chuẩn thực phẩm sạch, an toàn do trong quá trình nuôi trồng, bảo quản và sơ chế để xảy ra nhiễm bẩn.
Được biết, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, bằng nhiều biện pháp, như tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt hành chính, tiêu hủy những mặt hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng vẫn còn tình trạng một số tiểu thương do lòng tham, vì lợi nhuận, vẫn đưa những mặt hàng không đảm bảo chất lượng bán cho người tiêu dùng, nhất là những người dân có thu nhập thấp, những người bận rộn.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh nói riêng, cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài, từng bước hạn chế tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm, tiến tới ngăn chặn và xóa bỏ hoàn toàn những mặt hàng không đảm bảo chất lượng. Theo đó, biện pháp trước mắt, có hiệu quả nhất chính là đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật, kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người kinh doanh cũng như người tiêu dùng; hướng dẫn người dân nhận biết, lựa chọn sản phẩm an toàn, tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Muốn thực hiện được điều này cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm gương cho những trường hợp khác. Có như vậy, người tiêu dùng mới thực sự được sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, giảm gánh nặng cho các bệnh viện...
Hạnh Chi