Xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn, văn minh đô thị là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị, nhằm thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Kế thừa và phát huy thuần phong mỹ tục, những nét đẹp văn hóa dân tộc, địa phương, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội của tỉnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI đã xác định: "Phát huy vai trò của văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, thân thiện, hiếu khách. Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững".
Nội dung chủ yếu của việc xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn, văn minh đô thị trên địa bàn trước hết được thể hiện qua văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh từ trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng dân cư đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức Nhà nước mà trọng tâm là xây dựng nếp sống văn hóa gia đình hiện đại trên cơ sở tiếp nối các giá trị văn hóa, đạo đức, nếp sống gia đình truyền thống tốt đẹp; chuẩn mực trong hoạt động công vụ của bán bộ, công chức, viên chức... Kiên quyết giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp ở mỗi gia đình và trong cộng đồng. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và an toàn giao thông. Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về trật tự đô thị, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường. Thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và du lịch. Phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, triệt để thực hành tiết kiệm chống lãng phí... Để thực hiện tốt những nội dung trên đây, trước hết cần nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, năng lực điều hành của chính quyền các cấp, ý thức trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học và quần chúng nhân dân, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Gắn việc triển khai các nội dung nâng cao nếp sống văn hóa nông thôn, văn minh đô thị với việc đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã được thông qua tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào giai đoạn 2000-2015; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.
Đưa nội dung xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn, văn minh đô thị vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, coi trọng công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực quan, chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước nhằm đảm bảo trật tự kỷ cương trong hoạt động dịch vụ văn hóa. Xây dựng và nhân rộng các mô hình "Tổ dân phố, thôn, làng, bản không rác"; "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Tổ dân phố an toàn"... Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Hàng năm tổng kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt việc xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn, văn minh đô thị...
Nguyễn Kim