Dự buổi đối thoại về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho hơn 300 người lao động tại Khu tâm linh chùa Bái Đính do BHXH tỉnh phối hợp với Doanh nghiệp Xuân Trường tổ chức người lao động tại đây rất mong muốn được tìm hiểu, nắm bắt các chính sách và quyền lợi được hưởng đối với người lao động trong thực hiện các chế độ về BHXH, BHYT. Chị Nguyễn Thị Thảo, lao động vệ sinh tại chùa Bái Đính cho biết, tôi được ký hợp đồng lao động theo thời vụ với doanh nghiệp nên cũng mong muốn được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Qua nghe các nội dung được truyền đạt tại buổi đối thoại, tôi dự định nếu được doanh nghiệp hỗ trợ sẽ mua BHYT hàng năm cho cả gia đình, còn khi có điều kiện hơn tôi sẽ đóng BHXH tự nguyện cho vợ hoặc chồng, để sau này về già có chế độ hưu nhất định, không phải phụ thuộc vào con cái.
Tại buổi đối thoại, đại diện BHXH tỉnh đã truyền đạt các nội dung, những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; những nội dung cơ bản về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình, tăng viện phí và lộ trình tăng viện phí theo Thông tư 37/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính… Đại diện người lao động đã nêu câu hỏi về các vấn đề liên quan đến mức đóng, mức hưởng BHXH tự nguyện, mức phí BHYT, thời điểm đóng, thời điểm tăng mức phí BHYT, mức phí được giảm trừ, chế độ BHYT khi khám và điều trị bệnh, việc thông tuyến, chuyển tuyến KCB và một số vấn đề khác... Các ý kiến của người tham dự đối thoại nêu lên đều được đại diện BHXH tỉnh giải đáp, trả lời cụ thể, rõ ràng, giúp người lao động nắm bắt được chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước, từ đó nhiệt tình tham gia BHXH, BHYT cho bản thân và gia đình.
Theo ông Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, để chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống, giúp nhân dân và người lao động hiểu rõ hơn nội dung, chế độ mới ban hành, BHXH tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, trong đó tuyên truyền bằng hình thức đối thoại trực tiếp với người lao động và nhân dân cho thấy đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Theo đó, để thực hiện tốt bằng hình thức tuyên truyền này, BHXH tỉnh đã biên soạn những nội dung, chế độ cơ bản nhất, cần thiết đối với từng nhóm đối tượng muốn truyền đạt. Đối với người lao động trong các doanh nghiệp, đi sâu tuyên truyền về mức đóng, mức hưởng về BHXH, BHYT, những quyền và lợi ích của người tham gia, các chế độ thiết thực như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, phân tích để người lao động hiểu hết được giá trị đích thực của việc tham gia BHXH, BHYT, đồng thời hiểu về các chế độ liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Đối với người dân, đi sâu vào tuyên truyền BHYT hộ gia đình, thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT và tăng mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT... để người dân hiểu rõ việc tham gia BHYT hộ gia đình ngoài việc được giảm trừ mức đóng theo quy định và giảm gánh nặng tài chính khi rủi ro, ốm đau, bệnh tật, còn có mục đích lớn hơn mà Đảng và Nhà nước hướng đến đó là chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo mục tiêu BHYT toàn dân.
Bên cạnh đó, thông qua đối thoại trực tiếp, BHXH tỉnh mong muốn được nghe ý kiến phản hồi của người lao động và người dân, biết được tâm tư, nguyện vọng của họ trong việc được hưởng các quyền và lợi ích khi tham gia BHYT, BHXH; đồng thời nắm bắt được các chính sách mới về BHXH, BHYT có được tuyên truyền đến tận người lao động và nhân dân hay không, có được người dân đồng tình, ủng hộ và những cải cách hành chính, thái độ phục vụ của ngành BHXH có làm hài lòng người lao động và nhân dân... Từ đó, ngành BHXH tiếp tục hoàn thiện để ngày càng phục vụ tốt hơn cho người lao động và nhân dân.
Cùng với đó, BHXH tỉnh cũng tổ chức sâu rộng hình thức tuyên truyền trực quan. Trong năm 2017, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH huyện, thành phố tổ chức treo băng rôn tại trụ sở cơ quan cũng như các trục đường chính trên địa bàn trong dịp kỷ niệm ngày 16/2, ngày BHYT Việt Nam 1/7, tuyên truyền về BHYT học sinh, sinh viên…; xây dựng nội dung và tổ chức in ấn đĩa CD tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện và chính sách BHYT hộ gia đình, chính sách BHYT hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình để phát cho các Đài Truyền thanh, nhân viên đại lý thu trong toàn tỉnh. Đặc biệt, BHXH tỉnh đã tổ chức thành công Hội thi tuyên truyền viên BHXH, BHYT năm 2017, giúp tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể người dân về nội dung chính sách BHXH, BHYT.
Năm 2017, BHXH tỉnh đã tổ chức 40 hội nghị phổ biến, đối thoại trực tiếp cho người lao động và nhân dân, với hơn 10 nghìn người tham dự. Kết quả trên có tác động tích cực đến việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Hết năm 2017, có trên 853 nghìn người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 89,7% (tăng 5,34% so với tỷ lệ năm 2016), vượt 10,9% so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, vượt 4,1% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao tại Công văn số 424/BHXH-VP6 về việc điều chỉnh tỷ lệ bao phủ BHYT. Hiện 100% người cận nghèo, 100% người cao tuổi từ 75 đến dưới 80 tuổi và khoảng 99,82% học sinh, sinh viên tham gia BHYT; đối tượng BHYT hộ nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3 lần so với năm 2016. Đưa tỉnh Ninh Bình từ vị trí tốp có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp nhất trong cả nước lên trên mức bình quân cả nước, góp phần quan trọng từng bước thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2020.
Mỹ Hạnh