Hàng năm, mạng lưới cán bộ thực hiện công tác PCTHCTL trong tỉnh được kiện toàn và tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể và phù hợp với đặc thù của mỗi ban, ngành, địa phương, đơn vị. Cùng với Ban chỉ đạo cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể cũng thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo, đồng thời ban hành kế hoạch hoạt động PCTHCTL của từng đơn vị. Năm 2017 có 32/32, đạt 100% đơn vị thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm. Cùng với đó, Sở Y tế - đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành các văn bản đề nghị các UBND huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động như: Cử cán bộ phụ trách công tác PCTHCTL; triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về tác hại của thuốc lá; Luật PCTHCTL và các văn bản hướng dẫn; đặt pa nô về xây dựng đơn vị không khói thuốc, biển báo cấm hút thuốc...
Công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật PCTHCTL và các văn bản hướng dẫn được tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp, tổ chức mít tinh phát động, các lớp tập huấn… Theo đó, Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh phối hợp với Đài PT-TH Ninh Bình mở chuyên mục vì chất lượng cuộc sống, phát sóng các thông điệp về PCTHCTL; sản xuất và phát sóng các phóng sự, phổ biến kiến thức; viết các tin, bài tuyên truyền trên Đài truyền thanh các huyện, thành phố, Bản tin Y tế và trên Website của ngành Y tế. Đồng thời ký kết với Báo Ninh Bình tập trung tuyên truyền về các nội dung: Việc triển khai thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá ở các ngành, địa phương, đơn vị; phổ biến Luật PCTHCTL, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, địa điểm cấm hút thuốc lá và xử phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ…
Trong thực hiện truyền thông trực tiếp, để thực thi tốt môi trường không khói thuốc theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh tổ chức truyền thông trực tiếp trên 40 buổi, cho hơn 4.000 đối tượng là cán bộ y tế, người nhà người bệnh; cán bộ, giáo viên, học sinh trong các trường học; cán bộ quản lý, công nhân, lao động tại một số doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển hành khách… Cùng với đó, Lễ mít tinh phát động xây dựng môi trường không khói thuốc đã thu hút hàng trăm cán bộ, lãnh đạo và ĐVTN tham gia và ký cam kết xây dựng đơn vị không khói thuốc lá; tổ chức các xe ô tô, mô tô diễu hành tuyên truyền trên các trục đường chính của thành phố Ninh Bình, tại các điểm tập trung đông người, các giao lộ và tổ chức cấp phát tờ rơi tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân.
Năm 2017, Ban chỉ đạo PCTHCTL tỉnh đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác PCTHCTL của các ban, ngành, địa phương; cán bộ Ban Tuyên giáo tỉnh và huyện, thành phố; cán bộ thanh tra, công an; giáo viên và học sinh các trường học; các cơ quan thông tin, truyền thông; đoàn viên, thanh niên… với hơn 500 người tham dự. Nội dung tập trung tập huấn về Luật PCTHCTL, tác hại của thuốc lá, hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc. Đồng thời Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh đã lắp đặt 28 panô tuyên truyền tại một số cơ sở y tế, trường học, khách sạn và nơi công cộng; in ấn 12.000 tờ áp phích, 15.000 tờ gấp… tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về những tác hại do thuốc lá gây ra.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động PCTHCTL đã được quan tâm, thực hiện. Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổ chức giám sát, đánh giá hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc tại 68 đơn vị; tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 14 đơn vị và 8 UBND huyện, thành phố, xã, phường và một số cơ sở y tế, trường học, khách sạn, nhà hàng… Qua đó nhận thấy, mạng lưới cán bộ thực hiện công tác PCTHCTL trong toàn tỉnh đã kiện toàn và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể và phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương, đơn vị. Hầu hết các đơn vị cơ bản nắm được các quy định về PCTHCTL và triển khai thực hiện quyền, trách nhiệm của người đứng đầu thực hiện các quy định về PCTHCTL. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, tồn tại như: Một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm thực hiện các quy định về PCTHCTL; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác PCTHCTL chưa cao; công tác tuyên truyền, tập huấn cho các đối tượng có trách nhiệm trong thực hiện PCTHCTL chưa đồng đều và chưa đầy đủ. Cùng với đó, đa số chủ nhà hàng, khách sạn, quán ăn chưa có kiến thức đầy đủ về PCTHCTL, do đó chưa quan tâm thực hiện các quy định về PCTHCTL …
Trước những hạn chế, khó khăn đó, theo ông Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo PCTHCTL tỉnh, thời gian tới, công tác PCTHCTL cần tiếp tục được quan tâm, tập trung vào việc củng cố và kiện toàn các Ban chỉ đạo và mạng lưới cán bộ phụ trách PCTHCTL trong toàn tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan, đơn vị ký giao ước thi đua với các tiêu chí: Đơn vị không có cán bộ, công nhân viên hút thuốc lá; cán bộ, công nhân viên tham gia ký cam kết thực hiện Luật PCTHCTL; tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc lá; triển khai quyết liệt các quy định cấm hút thuốc lá tại các bệnh viện, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng… Cùng với đó, mở các lớp tập huấn cho cộng tác viên, cán bộ phụ trách hoạt động PCTHCTL; cán bộ thanh tra, công an, quản lý thị trường của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp. Thành lập các đoàn thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động PCTHCTL trên địa bàn tỉnh, trong đó tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất đối với các hoạt động PCTHCTL trên địa bàn tỉnh. Đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị thực hiện tốt và duy trì mô hình, ý tưởng sáng tạo, hiệu quả trong PCTHCTL.
Hạnh Chi