Hiện nay lúa mùa đang sinh trưởng và phát triển khá tốt, đang giai đoạn cuối đẻ nhánh và phân hóa đòng. Đây cũng là giai đoạn sâu bệnh tập trung gây hại nhiều nhất. Theo số liệu tổng hợp của Chi cục BVTV tỉnh, hiện nay các đối tượng sâu đã xuất hiện và gây hại trên lúa mùa, đối tượng chính là chuột hại và sâu đục thân 2 chấm, tập trung gây hại nhiều ở các địa phương có tỷ lệ lúa mùa sớm cao như: huyện Gia Viễn, Nho Quan, Hoa Lư, TP Ninh Bình và Yên Mô.
Sâu đục thân 2 chấm lứa 3 gây hại khoảng trên 1.000ha, tích lũy gây hại và phát triển rộng ở lứa 4, mật độ chứng 3-5 ổ/m2, đang giai đoạn cuối nở rộ, tỷ lệ hại từ 3-5% số rảnh, nơi cao từ 10-15%, cá biệt vùng ven làng, ven núi và không phòng trừ kịp thời tỷ lệ hại lên tới 20-30% số rảnh, toàn tỉnh có khoảng gần 2 nghìn ha lúa bị nhiễm và cần phòng trừ. So với vụ mùa năm trước diện tích lúa bị nhiễm và tỷ lệ hại cao gấp 1,5 đến 2 lần. Sâu đục thân xuất hiện gây hại sẽ làm héo rảnh giai đoạn lúa đẻ nhánh và đứng cái, hoặc làm bạc bông lúa.
Bà Ninh Thị Sen, Trạm trưởng trạm BVTV huyện Hoa Lư cho biết:Vụ mùa này, huyện Hoa Lư có gần 3 nghìn ha lúa mùa, ngay từ đầu vụ huyện đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con biện pháp phòng trừ, phun thuốc đặc hiệu và phát động phong trào ngắt ổ trứng sâu đục thân hai chấm trên mạ, song do tích lũy từ vụ đông xuân, thời tiết thuận lợi để sâu đục thân sinh trưởng và phát triển, nên hiện nay toàn huyện có 300ha bị nhiễm sâu. Riêng xã Ninh Thắng có 200ha bị nhiễm sâu đục thân 2 chấm. Huyện Hoa Lư đã chỉ đạo xã Ninh Thắng và các xã có diện tích nhiễm tiến hành phun thuốc đặc hiệu để ngăn chặn phát sinh lây lan ra diện rộng. Toàn bộ diện tích lúa của xã Ninh Thắng được phun kép 2 lần bằng thuốc đặc hiệu:
Cán bộ Chi cục BVTV kiểm tra các đối tượng sâu bệnh trên lúa mùa.
Song trên thực tế, trên địa bàn tỉnh không phải địa phương nào cũng quan tâm và triển khai công tác phòng trừ sâu bệnh bài bản, kịp thời, Do vậy, trong tổng diện tích cần phải phun thuốc đặc hiệu trừ sâu đục thân 2 chấm gần 2.000ha thì đến ngày 7/8 mới có trên 50% diện tích được phun trừ, nhiều nơi mật độ sâu gây hại cao nên có hiện tượng héo rảnh lúa, dẫn đến khuyết rảnh, khuyết khóm. Nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hiện nay là triển khai ngay các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là sâu đục thân 2 chấm, vì đây là giai đoạn có ý nghĩa quyết định tới năng suất cả vụ.
Theo đồng chí Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh thì, sâu đục thân 2 chấm là đối tượng sâu bệnh không khó khi phòng trừ so với các loại như đạo ôn, đốm sọc vi khuẩn, chỉ cần kiểm tra phát hiện và phòng trừ đúng ngưỡng, đúng thuốc là diệt trừ có hiệu quả. Hiện nay đang là thời gian phòng trừ sâu đục thân 2 chấm lứa 4, cách phòng trừ có hiệu quả là trên diện tích nhiễm được phun thuốc đặc hiệu: Penaltygold 30 EC; Sutyl 40WP và Comphai 40WP trước ngày 10/8. Từ nay đến cuối vụ, nhiều đối tượng sâu bệnh sẽ xuất hiện và gây hại như: chuột, sâu cuốn lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, đặc biệt đối tượng chính cần chú trọng vẫn là sâu đục thân hai chấm và rầy nâu, nếu không diệt trừ kịp thời sẽ giảm đáng kể năng suất lúa vụ mùa năm 2009.
Theo dự báo của Chi cục BVTV tỉnh: Sâu đục thân 2 chấm lứa 4 không được phòng trừ kịp thời, đúng ngưỡng sẽ tích lũy và phát triển ở lứa 5, diện tích nhiễm và cần phòng trừ trên phạm vi toàn tỉnh có thể lên tới 30 nghìn ha. Rầy nâu cũng sẽ xuất hiện và gây hại trên diện tích khoảng 20 nghìn ha. Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo bà con nông dân tiếp tục kiểm tra đồng ruộng, theo dõi hướng dẫn của hệ thống bảo vệ thực vật từ tỉnh tới sơ sở và khẩn trương, chủ động hơn trong việc phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, cần chú ý đến việc phòng trừ đúng thời điểm, đúng hướng dẫn kỹ thuật để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, giảm chi phí trong sản xuất, đảm bảo đạt năng suất lúa cao ở vụ mùa.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn