Mới nghỉ hè được hơn 1 tháng nay nhưng trên địa bàn tỉnh đã có gần chục vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra ở đủ mọi lứa tuổi. Gần đây nhất là trường hợp một cháu bé 10 tuổi, năm nay lên lớp 5 ở xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình). Hoàn cảnh của cháu bé cũng đáng thương, bố mẹ đi làm ăn xa, gửi con ở với ông bà. Cháu được người bác ruột cho đi chơi, câu cùng tại xã Khánh Hồng (Yên Khánh), sau đó cháu xuống tắm rồi không may đuối nước. Năm 2018, tại xã Ninh Phúc cũng có 1 trường hợp học sinh lớp 9 cùng bạn bè đi tắm tại một trạm bơm trên địa bàn xã và gặp tai nạn đuối nước. Chị Điền Thị Lành, công chức Văn hóa xã hội-Thương binh xã hội xã Ninh Phúc cho rằng, việc quản lý, trông coi và hướng dẫn trẻ học tập, vui chơi trong dịp hè phần lớn do gia đình, người thân các em chịu trách nhiệm. Các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể... của xã có vai trò phối hợp trong việc tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn phần nào các hoạt động vui chơi cho các em. Toàn xã Ninh Phúc có gần 1.700 trẻ em độ tuổi dưới 16, hàng năm, vào Tháng hành động vì trẻ em, xã đều tổ chức tuyên truyền về phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, yêu cầu các thôn có nguy cơ xảy ra đuối nước đặt biển cảnh báo, tuyên truyền người dân quan tâm, chăm lo cho con em, tránh để xảy ra các tai nạn đáng tiếc... Tuy nhiên, điều đáng buồn là các tai nạn thương tích vẫn còn xảy ra, trong đó có những vụ đuối nước thương tâm.
Tại khoa Ngoại nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cứ vào dịp nghỉ hè, số vụ tai nạn thương tích lại gia tăng với đủ các loại tai nạn, trong đó nhiều hơn cả là thương tích do chó cắn, gẫy chân, tay và bỏng. Chị Trần Thị Hoài, xã Định Hóa (Kim Sơn), mẹ bé Trần Thị ánh Vy, 7 tuổi bị bỏng nước sôi cho biết, con chị sau nhiều lần nhìn bố mẹ làm thì cũng tự í đun nước sôi để pha mì tôm, nhưng không may do cháu còn bé, với lên lấy ấm nước đã sôi rồi trượt chân ngã, nước sôi đổ vào phần lưng và một bên vai trái khiến các mảng da tấy đỏ, một phần bị bong tróc, phải nhập viện Sản - Nhi điều trị. Điều trị tại khoa Ngoại nhi gần tuần nay, nhưng chị Hoài cho hay, chưa biết bao giờ mới được xuất viện, các bác sĩ cho biết, điều trị bỏng nước sôi rất đau đớn và phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì và thời gian lâu dài. Điều an ủi duy nhất cho mẹ con chị Hoài là phần mặt và đằng trước gồm phần bụng và tay chân không bị ảnh hưởng gì, sẽ đỡ được về thẩm mỹ của con gái sau này khi cháu lớn lên.
Theo một bác sĩ điều trị tại khoa Ngoại nhi - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cứ vào dịp nghỉ hè, số trẻ em mắc tai nạn thương tích thường tăng gấp nhiều lần. Nguyên nhân là do hầu hết các em được nghỉ học ở trường, các hoạt động sinh hoạt hè thường không thường xuyên, người thân trong gia đình không trông coi sát sao, từ đó rất dễ xảy ra các loại tai nạn thương tích. Khoa Ngoại nhi được giao công suất sử dụng giường bệnh là 45 giường, nhưng luôn phải kê thêm gấp từ 1,5-2 lần do nhu cầu bệnh nhân tăng cao. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận trên dưới 20 ca nhập viện điều trị. Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ em thường hiếu động, thích chạy nhảy, nhất là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, do vậy người lớn cần thật sự quan tâm, để ý đến các em mọi lúc, mọi nơi, hạn chế thấp nhất xảy ra các tai nạn thương tích, nếu không sẽ để lại di chứng nặng nề cho tương lai các em.
Thống kê của Phòng bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 250 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi. Từ đầu năm 2018 đến hết tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh có trên 1 nghìn trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó phổ biến là các tai nạn đuối nước, chó cắn, tai nạn giao thông, tiếp đến là bỏng, điện giật, hóc dị vật, tai nạn giao thông, chấn thương do chơi, trượt ngã, thương tích do vật sắc nhọn… trong đó có gần 100 trẻ tử vong. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có gần 500 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có gần 30 trường hợp tử vong, nhiều hơn cả là tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông. Các loại tai nạn thương tích hàng năm không giảm và thường có diễn biến bất thường, nhất là vào dịp hè...
Để giảm thiểu các vụ tai nạn thương tích cho trẻ em trong mùa hè, điều quan trọng nhất là người lớn nên dành thời gian quan tâm, chăm sóc, quản lý con, cháu, bảo đảm sự an toàn tuyệt đối cho trẻ. Cùng với đó, các bậc cha mẹ cần chủ động tiếp cận các chương trình an toàn cho trẻ tại gia đình và cộng đồng, nhất là các kỹ năng xử lý tai nạn thương tích, sơ cứu kịp thời khi trẻ xảy ra tai nạn thương tích, dạy cho trẻ cách nhận biết và phòng tránh tai nạn thương tích... Đồng thời, các địa phương cũng cần quan tâm đầu tư thêm các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để các em có những ngày hè vui tươi, bổ ích, phòng tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh