Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa ở phía Bắc hiện diễn biến rất phức tạp, đã có 18 tỉnh, thành phố thuộc các vùng Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc phát hiện có lúa, ngô nhiễm bệnh, anh hưởng khá lớn cho sản xuất nông nghiệp. Vụ mùa vừa qua, trên 1 số diện tích lúa ở Ninh Bình đã xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, điển hình như ở thị xã Tam Điệp, huyện Kim Sơn, Yên Khánh.., ở những diện tích bị bệnh, năng suất lúa giảm đáng kể. Ngay ở vụ đông này, rải rác trên cây ngô xuất hiện bệnh đã làm giảm năng suất ngô.
Kỹ sư Đỗ Thị Thao, Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh Ninh Bình cho biết: Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do vi rút gây ra, bệnh làm cho cây lúa lùn, chiều cao cây không đồng đều trên cùng một ruộng, mọc nhiều chồi; lá xòe ngang, ngắn, nhỏ, cứng, xanh vàng hoặc da cam, trên lá có nhiều đốm gỉ sắt, sau đó chuyển nhanh sang màu vàng khô lụi từng đám lúa hoặc cả ruộng; rễ phát triển bình thường. Nếu bệnh phát sinh muộn lúa trỗ bị nghẹn đòng, lép hạt, có nơi bệnh nhiễm nặng không cho thu hoạch. Tổng hợp kết quả điều tra, kiểm tra của Chi cục BVTV tỉnh cho thấy, diện tích lúa mùa trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là 916,4 ha, trong đó có 369,5 ha bị nhiễm nặng. Một số diện tích ngô đông, giai đoạn từ 3-4 lá, rõ nhất khi ngô 7-8 lá ở các giống ngô ngọt, ngô nếp thuộc các HTX của huyện Yên Mô, Yên Khánh đã nhiễm bệnh với tổng diện tích nhiễm là 23 ha, trong đó có 2 ha bị nặng
Bệnh vàng lùn xuất hiện trên cây ngô ở xã Yên Lâm (Yên Mô).
Theo dự tính dự báo của ngành NN-PTNT, bệnh sẽ có diễn biến phức tap nếu như không có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Để phòng trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, ngăn chặn bệnh lây lan tiếp sang vụ xuân 2009-2010, Chi cục BVTV tỉnh đã tiến hành tập huấn cho cán bộ chủ chốt HTX, cán bộ làm công tác BVTV trên địa bàn huyện, tỉnh về kỹ thuật phòng trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả cao. Đồng thời chỉ đạo các Trạm bảo vệ thực vật thực hiện các biện pháp cấp bách ngăn chặn và diệt trừ bệnh kịp thời. Trước mắt là giám sát chặt chẽ các triệu chứng bệnh trên cây vụ đông, đặc biệt chú ý đến bệnh xuất hiện gây hại trên cây ngô và tiến hành tiêu hủy ngay các cây bị bệnh, ngăn chặn lây lan và phát sinh nguồn bệnh sang vụ sau.
Bệnh bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đến nay chưa có thuốc đặc trị; vì vậy cần đặc biệt chú trọng tới công tác thông tin tuyên truyền để nông dân thấy rõ nguy cơ và tác hại của bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, chủ động phòng trừ đối với loại bệnh hại trên lúa và cây màu. Đối với các địa phương có lúa xuất hiện bệnh cần nhanh chóng tiêu diệt triệt để mầm bệnh trên gốc rạ. Đây là biện pháp bắt buộc để phòng trừ bệnh do vi rút gây ra, đồng thời tiêu hủy mầm bệnh ở những ruộng bị nhiễm bằng cày vùi, đốt tàn dư thực vật trên bờ, quanh ruộng bị nhiễm. Đẩy nhanh cày ải để tiêu diệt ký sinh gây hại có trong đất.
Vụ đông xuân đang đến gần, đã đến lúc công tác phòng trừ bệnh cần được triển khai sớm, đồng bộ. Chú trọng tới vệ sinh đồng ruộng trước khi cây lúa, làm cỏ bờ ngăn chặn ổ dịch có từ trong cỏ. Khi cấy đảm bảo đồng trà, tập trung cấy nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi trong chăm sóc, bảo vệ lúa sinh trưởng và phát triển.
Với diện tích gieo thẳng, gieo vãi cần được phun thuốc trừ cỏ trước khi sạ hạt. Chọn giống tốt, kháng rầy nâu, trong gieo cấy thực hiện các biện pháp dịch hại tổng hợp IPM, "3 giảm, 3 tăng" để giảm chi phí giá thành, giảm áp lực của nhiều loại sâu bệnh gây hại khác. Cùng với đó là chủ động tưới tiêu, đáp ứng từng thời kỳ sinh trưởng cho cây trồng. Áp dụng công nghệ sinh học trong việc sử dụng phân bón, đưa Siêu phân bón Neb-26 vào chăm bón cho cây mùa để cây khỏe, kháng sâu bệnh, nhất là các đối tượng rầy nâu, rầy cám và rầy lưng trắng.
Ngoài các giải pháp ngăn chặn mầm bệnh, các địa phương cũng cần tập trung thực hiện triệt để các biện pháp phòng trừ rầy nâu- sinh vật môi giới truyền vi rút gây bệnh cho cây lúa, ngô. Khi rầy xuất hiện, bà con nông dân cần sử dụng các thuốc đặc hiệu: Trebon 10EC, Applaud 25SC và Basa 50EC, Sutin 5EC....để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác.
Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và một số bệnh mới phát sinh với diễn biến phức tạp gây khó khăn cho sản xuất, nhất là ở vụ đông xuân tới. Tăng cường công tác phòng, chống bệnh là biện pháp cấp bách hiện nay, điều này cần được các địa phương nghiêm túc thực hiện để hạn chế thiệt hại thấp nhất do sâu bệnh gây ra, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế của cây trồng.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn