Trên cơ sở đó, công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được triển khai thực hiện nghiêm túc. Đối với người chấp hành xong án phạt tù, sau khi về địa phương đến trụ sở UBND trình diện, UBND các xã, phường, thị trấn đã chỉ đạo lực lượng công an cơ sở trực tiếp gặp gỡ, kiểm tra giấy ra trại, các quyết định và giấy tờ khác có liên quan, yêu cầu ký cam kết không vi phạm trở lại, chấp hành tốt các quyết định của Tòa án về hình phạt bổ sung và các quy định của địa phương; hướng dẫn họ làm thủ tục nhập khẩu, cấp CMND (nay là căn cước công dân). Đối với số không đến trình báo thì tiến hành xác minh, làm rõ nguyên nhân, triệu tập đến UBND xã, phường, thị trấn để nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu xuất trình giấy tờ và làm các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật. Định kỳ hàng năm, Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, hướng dẫn Công an các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót tại địa phương, cơ sở; hướng dẫn Công an các huyện, thành phố chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội phối hợp với lực lượng Công an tổ chức tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương đảm bảo nề nếp, thiết thực, hiệu quả.
Thông qua tiếp nhận, chính quyền địa phương và các ngành chức năng nắm bắt được điều kiện, hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống của từng người để chủ động áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ xóa đi những mặc cảm của bản thân, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
Xác định quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm của toàn xã hội, nhiều địa phương, chính quyền cơ sở đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức quần chúng như MTTQ, Hội CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân… phân công cán bộ, người có điều kiện, nhiệt tình thường xuyên phối hợp với gia đình để quản lý, giáo dục, giúp đỡ bằng các hình thức gặp gỡ cá biệt, tạo điều kiện học nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất. Thông qua việc phân công và trực tiếp gặp gỡ, giáo dục, cảm hóa từng người chấp hành xong án phạt tù, làm cho họ hiểu rõ sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng đối với họ.
Từ năm 2011 đến hết năm 2017, đã có 898/1.701 người chấp hành xong án phạt tù được các ngành, đoàn thể và nhân dân bảo lãnh, quản lý, giáo dục; trong đó Đoàn thanh niên 217 người, Hội CCB 263 người, Hội phụ nữ 185 người và Hội nông dân 233 người. ở nhiều xã, phường, thị trấn, cấp ủy, chính quyền đã chủ động gặp gỡ thân nhân các gia đình có người chấp hành xong án phạt tù, vận động, giao trách nhiệm, phân công công việc cụ thể mà họ có thể đảm nhận trong việc quản lý, giáo dục người thân. Các gia đình có người chấp hành xong án phạt tù đã đứng ra đảm nhận trách nhiệm quản lý, giáo dục con em mình như tự liên hệ việc làm, vận động anh em họ hàng giúp đỡ về tinh thần, vật chất… giúp con em sớm ổn định cuộc sống.
Đồng thời thông qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã tổ chức phân loại, đánh giá mức độ tiến bộ của từng người; định kỳ 3 tháng, 6 tháng tổ chức nhận xét, đánh giá phân loại 4 nhóm theo quy định. Trên cơ sở phân loại đã chủ động áp dụng các biện pháp đối với từng trường hợp. Đối với người có xu hướng phấn đấu tốt, có nhiều tiến bộ, có việc làm ổn định, kịp thời có biện pháp động viên; trường hợp còn khó khăn vướng mắc thì chủ động đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp với các tổ chức đoàn thể kịp thời giải quyết, giúp đỡ họ khắc phục; đối với đối tượng không chịu sự quản lý, có hoạt động vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ có biện pháp quản lý, xử lý cụ thể. Bên cạnh đó, Công an các đơn vị thông qua tài liệu trong quá trình theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù về địa phương thường xuyên xây dựng, củng cố hồ sơ phục vụ việc xóa án tích cho người đủ điều kiện.
Công tác hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù luôn được quan tâm, chú trọng. Từ năm 2011 đến năm 2017, các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm trong tỉnh đã tổ chức đào tạo, dạy nghề cho 450 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương như: may công nghiệp, đan lát thủ công, xây dựng dân dụng, mộc, đá mỹ nghệ, sửa chữa ô tô, xe máy... Các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cũng đã vận động các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 180 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương vào làm việc. Công ty TNHH Mai Linh Ninh Bình tiếp nhận 8 người vào làm việc, thu nhập trên 3 triệu đồng/ người /tháng; Công ty TNHH Thụy Thành (Ninh Vân, Hoa Lư) tiếp nhận 8 người vào làm việc, thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng; nhà máy gạch Yên Thành (Yên Mô) tiếp nhận 5 người vào làm việc, thu nhập ổn định từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng…
Cũng trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2017, các đơn vị, địa phương đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 7.000 lao động nông thôn; xây dựng gần 3.300 mô hình chăn nuôi các loại, gần 1.000 mô hình trồng trọt… Thông qua đó, đã giúp đỡ 394 người chấp hành xong án phạt tù phát triển mô hình sản xuất tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngân hàng Chính sách xã hội dưới sự bảo lãnh của chính quyền, các đoàn thể đã tạo điều kiện cho 316 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền 2,6 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống bản thân và gia đình…
Có thể nói, trong thời gian qua, việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh ta được chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể và cộng đồng quan tâm phối hợp, thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực ngăn chặn sự phát sinh, phát triển của tội phạm, làm chuyển biến tình hình trật tự an toàn xã hội, kiềm chế được sự gia tăng các tai tệ nạn xã hội khác.
Phúc Nguyên