Những cơ sở này thuộc các lĩnh vực như sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón, hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm, cơ sở y tế, tồn dư hóa chất, đó là Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Ninh Bình; Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty cổ phần Bia Ninh Bình; Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình; cơ sở 3 Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất công nghiệp - Nhà máy tấm lợp Thái Nguyên (cơ sở sản xuất xi măng Cầu Yên); Bệnh viện Quân y 5 - Quân khu III; Bệnh viện Đa khoa tỉnh (nay là Bệnh viện Sản - Nhi); các kho thuốc bảo vệ thực vật tại các xã Đồng Hướng (Kim Sơn), Núi Sệu (thành phố Ninh Bình) và thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư).
Thực hiện theo đúng Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tỉnh đã nghiêm túc chỉ đạo các ngành chức năng tích cực vào cuộc xử lý các điểm gây ô nhiễm. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, ngành chức năng đã phối hợp với các cấp chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động, đôn đốc và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại vào xử lý chất thải, khí thải trong và sau sản xuất, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đối với Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Ninh Bình, đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo phương pháp yếm khí, có bổ sung men vi sinh. Mỗi dây chuyền có hệ thống cống dẫn kín và hầm ủ yếm khí riêng, sau đó cùng đổ ra ao sinh học có diện tích 3.000 m2 có thả bèo và nuôi cá, chất thải rắn được thu gom, ủ và bán cho người trồng cây xanh.
Công ty cổ phần Bia Ninh Bình, đầu tư cải tạo hệ thống xử lý nước thải sản xuất, đồng thời tham gia chương trình sản xuất sạch, tiết kiệm nguyên liệu và giảm thiểu chất thải.
Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình đã lắp đặt hệ thống xử lý khí thải theo phương pháp hấp thụ khí độc qua tháp hấp thụ; xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo phương pháp trung hòa bằng dung dịch nước vôi, lắng lọc nhiều lần sau đó thải ra sông Yên, trồng cây xanh cải tạo cảnh quan môi trường. Với những động thái và sự hợp tác này, 3 đơn vị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.
5 cơ sở còn lại cũng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường chứng nhận hoàn thành xử lý môi trường triệt để. Với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất theo phương pháp sinh học, bã thải được thu gom, sấy khô làm thức ăn gia súc. ở Bệnh viện Quân y 5 xây dựng lò đốt rác thải BELLY, công suất 20 kg/h để xử lý toàn bộ lượng chất thải rắn của Bệnh viện, nước thải được xử lý bằng phương pháp sinh học vi sinh bám (ngập nước) trong môi trường hiếu khí, công suất 200 m3/ngày. Bệnh viện Sản - Nhi đầu tư xây dựng lò đốt rác thải BELLY công suất 25 kg/h để xử lý toàn bộ lượng chất thải rắn của Bệnh viện và cải tạo hệ thống xử lý nước thải công suất 5.000 m3/ngày, có xử lý bằng dung dịch Cloramin B.
Cho đến thời điểm hiện nay, đã thực xong các yêu cầu về xử lý ô nhiễm môi trường đối với 8 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đạt 100% theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 3 dự án xử lý ô nhiễm môi trường là dự án "Xây dựng bãi rác xử lý hợp vệ sinh cho huyện Nho Quan"; dự án "Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác thung Quèn Khó, thị xã Tam Điệp"; dự án "Xây dựng bãi rác tập trung hợp vệ sinh huyện Kim Sơn" nhằm khắc phục, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phát sinh. Nhờ đó, môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là các khu vực có các cơ sở trên đã được cải thiện rõ rệt, tạo tâm lý thoải mái trong nhân dân, các cơ sở duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề do công tác xử lý ô nhiễm môi trường ở một số cơ sở chưa được quan tâm, chú trọng; nguồn kinh phí cho xử lý ô nhiễm môi trường còn hạn hẹp; các trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường chưa được đầu tư đúng mức; trách nhiệm của cơ sở thực hiện công tác bảo vệ môi trường chưa được quy định, gây khó khăn trong công tác quản lý…
Điều đó đặt ra cho các cấp, ngành cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp thấy được vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đầu tư trang thiết bị xử lý nghiêm tình trạng gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu các cơ sở được chấp nhận đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ nghiêm ngặt cam kết bảo vệ môi trường, có như vậy mới đảm bảo cho sự phát triển bền vững, hài hòa, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi tỉnh ta đang tập trung phát triển cả 2 ngành sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng và du lịch.
Thanh Thủy