Tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và địa phương, đặc biệt tỉnh đã chú trọng cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp, do đó hoạt động đăng ký doanh nghiệp có sự khởi sắc với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng. Đến nay, đã thành lập mới 749 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, với tổng số vốn đăng ký đạt 4.163,9 tỷ đồng; có 171 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại.
Ngay từ tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 04/UBND-VP2 ngày 7/1/2020 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2020. Theo đó, công tác cải cách hành chính luôn được quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân, tập trung nỗ lực bứt phá trong cải cách hành chính, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Kết quả chỉ số cải cách hành chính của tỉnh từ năm 2015 đến nay luôn xếp trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất cả nước; riêng năm 2019, chỉ số cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình đạt 83,47%, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2018), xếp thứ 4/11 tỉnh đồng bằng sông Hồng (sau thành phố Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh). Cổng dịch vụ công của tỉnh đã triển khai cho 100% các cơ quan Nhà nước; hoàn thành tích hợp 11 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo đúng lộ trình; việc kết nối, liên thông Hệ thống phần mềm Quản lý Văn bản và Điều hành của tỉnh với Trục liên thông văn bản Quốc gia đã đảm bảo thực hiện liên thông 4 cấp chính quyền. Đồng thời, tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt việc sử dụng chữ ký số cá nhân phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý công việc trên môi trường mạng; phục vụ cấp bản sao điện tử, chứng thực bản sao điện tử, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ.
Tỉnh cũng đã triển khai lắp đặt và đang vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh trên cơ sở tích hợp, phân tích dữ liệu từ các hệ thống thông tin sẵn có và phát triển hệ thống thông tin mới, tiến tới phục vụ điều hành, giám sát 9 lĩnh vực. Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong năm đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Cục Tin học hóa triển khai thí điểm chuyển đổi số tại xã Yên Hòa (Yên Mô).
Đặc biệt, việc đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động thể hiện quyết tâm của tỉnh nhằm khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế trong thực hiện một cửa, một cửa liên thông; giảm phiền hà, tăng tính công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Ngay sau khi đi vào hoạt động, 20 sở, ngành thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm với 1.373 TTHC cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Trung tâm đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại; thể hiện mong muốn và quyết tâm tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC, nhất là trong điều kiện tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là địa phương thực hiện thí điểm chuyển đổi số. Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động trở thành hạt nhân quan trọng để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số của tỉnh Ninh Bình.
Năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó cơ hội luôn đan xen cùng thách thức. Chính vì thế, để tạo lập nền tảng, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Bình xác định, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp, tạo chuyển biến rõ nét nhất là các nhóm, chỉ tiêu thành phần xếp hạng thấp trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Cùng với đó, các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh, khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh; xây dựng đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong hợp tác xã.
Đồng thời, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh năm 2021, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm