Trong câu chuyện của các bà, các mẹ hiện nay, nỗi lo thực phẩm không đảm bảo vệ sinh luôn là đề tài "nóng", nhất là khi các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày, hàng giờ thông báo phát hiện nhiều vụ thực phẩm bẩn được vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Chẳng ai dám chắc mình không ăn phải những thực phẩm thiu, thối, quá hạn dùng đó. Và trong phạm vi hiểu biết của mình, chị em chỉ có thể lựa chọn thực phẩm cho gia đình bằng cảm quan và tin tưởng bằng "lời hứa mồm" của những người kinh doanh buôn bán. Chị Hương, một công chức phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Thời gian gần đây, ti vi, đài, báo nói nhiều về vệ sinh an toàn thực phẩm và tình trạng ô nhiễm thực phẩm, sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, nghe mà phát sợ, thấy bất an vô cùng. Nhưng nghe và biết thôi, chứ đi chợ cũng không thể phân biệt được đâu là thực phẩm sạch và không sạch. Chúng tôi chỉ có thể bằng cảm quan, bằng kinh nghiệm, bằng niềm tin… để chọn thực phẩm cho gia đình. Đơn giản như, cứ nhìn miếng thịt, con cá, mớ rau... còn tươi, xanh thì cho là ngon, là sạch, đảm bảo vệ sinh, nhưng thực tế có an toàn hay không thì "chịu"… Nỗi lo của chị Hương là có cơ sở, bởi bằng mắt thường, việc xác định thực phẩm sạch hay không sạch thường không thể phân biệt được. Dạo một vòng ở một số chợ thực phẩm của thành phố Ninh Bình nhận thấy, việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường ở các chợ còn nhiều điều đáng nói, nhất là vào các buổi chiều những ngày nắng nóng, các loại mùi của thực phẩm như cua, cá, thịt, lòng… để lâu, tạo ra một mùi hôi nồng nặc, ngột ngạt. Các loại rau xanh, lương thực khô bày bán ngay tại nền chợ đầy bụi bẩn và lép nhép chỉ bằng tấm bìa, bao tải sơ sài.
Những thực phẩm mổ sẵn như gà, vịt, thịt lợn… bày bán đầy ruồi nhặng bu quanh. Nước thải, rác thải do người bán hàng xả, thải từ ngày này qua ngày khác không có ống thoát hoặc không thoát kịp tạo thành thứ nước cống rãnh hôi thối, đen ngòm… Và ai dám chắc, bên cạnh những nguyên nhân thực phẩm bẩn do chủ quan, những vấn đề về vệ sinh môi trường tại chợ không là nguyên nhân khách quan khiến thực phẩm có sạch cũng rất dễ nhiễm bẩn.
Thực tế cho thấy, hàng năm, các cơ quan chức năng của tỉnh đều tổ chức hàng trăm đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về vấn đề bảo đảm VSATTP từ tỉnh đến cơ sở. Qua mỗi đợt thanh, kiểm tra đều phát hiện có khoảng 30-40% cơ sở vi phạm các quy định về bảo đảm VSATTP, các Đoàn đã tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt. Tuy nhiên, việc kiểm tra mới chỉ được một phần và việc xử phạt vẫn còn chưa triệt để nên tình trạng tái diễn ở một số cơ sở kinh doanh vẫn còn diễn ra, dù đã được nhắc nhở, nhưng lần sau kiểm tra lại tiếp tục vi phạm.
Trước thực trạng trên, nhân "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2016, BCĐ liên ngành về VSATTP tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 45, ngày 8/4/2016 về triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" của tỉnh, với mục tiêu giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu rõ nét mức tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản; đồng thời nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh tiêu dùng rau, thịt an toàn.
Theo đó, "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một "chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng VSATTP", tạo ra bước đột phá, sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật. Chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đối tượng ưu tiên truyền thông là tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế/ giết mổ, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh rau, thịt; chính quyền các cấp, ban quản lý chợ, siêu thị, chợ đầu mối, khu du lịch, khu công nghiệp và người tiêu dùng thực phẩm; đặc biệt tập trung vào người nông dân, HTX trồng trọt, sản xuất, kinh doanh rau, củ quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Trong công tác quản lý nhà nước, các ngành chức năng như Y tế, Công an, Nông nghiệp, Quản lý thị trường... cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, kịp thời hỗ trợ nhau trong công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình lưu thông và tiêu thụ các loại thực phẩm trên địa bàn. Có chế tài xử phạt đủ mạnh, nghiêm khắc để tạo sức răn đe cần thiết. Đồng thời khuyến khích xây dựng các khu trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh theo quy định; nhân rộng và phát huy hiệu quả các vùng trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên, ngoài việc tham gia quản lý chất lượng VSATTP của các cơ quan chức năng, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm, lương tâm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn trong việc tạo ra thực phẩm "sạch". Cùng với đó, người tiêu dùng cần nêu cao vai trò của mình trong việc giám sát, phát giác các hành vi vi phạm VSATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, người dân hãy tẩy chay, nói không với thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh. Có như vậy, người tiêu dùng mới thực sự được sử dụng thực phẩm sạch và an toàn.
Hạnh Chi