Đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang trao đổi cùng các đại biểu dự hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, TVTU, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp và mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đồng chí cũng nêu rõ các nội dung cơ bản Trung ương đã chỉ đạo trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và nhấn mạnh: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã triển khai việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một cách tích cực, nghiêm túc, công khai, dân chủ, bám sát văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, ban hành kế hoạch và các văn bản triển khai việc lấy ý kiến nhân dân.
Đến ngày 9-3-2013, đã có 51/71 cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý về Ban Chỉ đạo tỉnh (với 6.510 ý kiến góp ý). Nhìn chung, nhân dân tin tưởng, phấn khởi, cơ bản đồng tình với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đồng thời có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, có chất lượng, thể hiện ý thức trách nhiệm cao của tổ chức, công dân trong hoạt động xây dựng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Trong bài phát biểu khai mạc, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, các vị đại biểu HĐND tỉnh quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là mục đích, yêu cầu, quan điểm về việc sửa đổi Hiến pháp, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung thảo luận về toàn bộ nội dung Dự thảo hoặc từng chương, điều, khoản cụ thể mà mình quan tâm, mỗi đại biểu có ít nhất 1 ý kiến tham gia tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, sửa đối Hiến pháp phải dựa trên việc tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 và các đạo luật liên quan; căn cứ vào định hướng, nội dung cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; đồng thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã rõ được thực tiễn chứng minh là đúng, đã có đủ cơ sở, tạo được thống nhất cao, phù hợp với tình hình mới và những nội dung đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 của Đảng xác định.
Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cần quán triệt sâu sắc và đầy đủ quan điểm của Đảng đã nêu trong Nghị quyết hội nghị lần thứ II và Kết luận Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân là một đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng, cần tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến của nhân dân để nghiên cứu, hoàn chỉnh nhằm xây dựng bản Hiến pháp của Nhà nước ta thực sự là một bộ luật gốc thể hiện đúng bản chất Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tại hội nghị đồng chí Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu đề nghị HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh, với trách nhiệm là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho quyền lợi và ý chí của nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đạt kết quả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị HĐND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Một là, tiếp tục xác định việc lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, cần được ưu tiên thực hiện nhằm tạo ra sự nhất trí cao trong toàn xã hội. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần đưa nội dung này vào sinh hoạt của chi bộ, đảng bộ để quán triệt trong toàn thể đảng viên về mục đích, quan điểm, định hướng trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp cho nhân dân đầy đủ thông tin, định hướng để nhân dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của công việc hệ trọng này.
Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và tạo điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức lấy ý kiến. Chỉ đạo việc xây dựng báo cáo đóng góp ý kiến của nhân dân đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, phản ánh đầy đủ và chính xác ý kiến của nhân dân.
Ba là, chỉ đạo chặt chẽ công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Bốn là, với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, HĐND tỉnh cần nghiên cứu, hướng dẫn nhiều hình thức phong phú, thích hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Năm là, cùng với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, các cấp, các ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, đảm bảo cho việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2013.
Tại hội nghị, HĐND tỉnh đã chia tổ thảo luận và tiến hành thảo luận tại hội trường, đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Các ý kiến phát biểu đều thống nhất nhận định Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện bước tiến trong kỹ thuật lập hiến, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Tham gia góp ý về Lời nói đầu, có đại biểu đề nghị bổ sung từ "yêu nước" tại dòng thứ 3, khổ 1 và viết lại như sau: "Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết…".
Góp ý cho Chương 1, tất cả đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao về việc tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 và cho rằng việc quy định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam.
Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "duy nhất" vào sau cụm từ "là lực lượng" nhằm nhấn mạnh tính chính đáng và sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân đối với Đảng.
Với các quy định về MTTQ Việt Nam tại Điều 9, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị nhằm khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ. Tại khoản 2 cần bổ sung cụm từ "các tổ chức chính trị - xã hội" sau cụm từ MTTQ Việt Nam đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ và phù hợp hơn với hệ thống chính trị của nước ta.
Ngoài ra tại khoản 3, nên thay cụm từ "tạo điều kiện" bằng cụm từ "đảm bảo" bởi nếu MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị thì nhà nước phải đảm bảo điều kiện cho hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên.
Theo một số ý kiến tại Điều 2 nên thêm cụm từ "lực lượng doanh nhân" sau cụm từ "đội ngũ trí thức", bởi hiện nay lực lượng doanh nhân đang có đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước.
Đối với các quy định về gia đình, trẻ em tại các điều 20, 27, 39, 40, 62 có ý kiến cho rằng, trong Dự thảo lần này đã cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng gia đình Việt Nam bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bảo vệ, chăm sóc trẻ em…
Tuy nhiên, Dự thảo cần quy định rõ hơn về vị trí, vai trò gia đình trong mối quan hệ xã hội; nghĩa vụ, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình nhằm xây dựng gia đình là tế bào lành mạnh của xã hội.
Ngoài ra, trong thực tế có những hành vi phân biệt đối xử trong công việc, do vậy kiến nghị bổ sung khoản 2, Điều 38 cụm từ "vì lý do giới tính".
Theo một số đại biểu, Điều 50 quy định mọi người có nghĩa vụ nộp thuế là chưa hợp lý bởi quy định như vậy thì những đối tượng là người nghèo, người cao tuổi, người tàn tật… cũng sẽ phải nộp thuế.
Do đó, kiến nghị bổ sung thêm cụm từ "theo luật định" đảm bảo sự chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam, các ý kiến đều khẳng định quy định như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân đồng thời có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, là lực lượng chính trị - lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, của Tổ quốc XHCN và nhân dân.
Bản chất quân đội kiểu mới thể hiện rõ nét ở sự thống nhất hữu cơ tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc, được biểu hiện sinh động ở lý tưởng chiến đấu, cơ sở chính trị - xã hội, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ của quân đội.
Đối với các quy định về chính quyền địa phương, có ý kiến đề nghị nên giữ nguyên tên gọi Chương 9 là chương HĐND và UBND như Hiến pháp hiện hành nhằm đảm bảo tính logic với các điều, ngoài ra phải xác định rõ cấp nào có HĐND, cấp nào không có, nếu không có HĐND thì UBND được hình thành như thế nào?
Điều 116 nên tách thành 2 điều quy định rõ HĐND được thành lập ở những cấp nào, có quyền hạn trách nhiệm gì, để làm cơ sở cho việc ban hành luật, đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm thẩm quyền của HĐND trong việc quyết định những vấn đề phát sinh trên thực tiễn tại địa phương để đảm bảo tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu cũng tập trung làm rõ một số nội dung liên quan đến kỹ thuật lập hiến, bố cục Hiến pháp, quốc kỳ, quốc ca, nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước, quyền công dân, thể chế kinh tế, sở hữu về đất đai, bảo vệ Tổ quốc…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, chất lượng thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong hoạt động xây dựng pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Từ nay đến 30/9, đồng chí đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến và tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đồng thời kịp thời đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng góp ý để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, góp phần tích cực vào kết quả chung của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh, bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật và đạt hiệu quả thiết thực.
Minh Châu - Quốc Khang