Các đồng chí: Tô Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quốc Hùng, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh; Bùi Đắc Luyên, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh… đã đến làm việc và trực tiếp khảo sát tình hình thực hiện pháp luật về môi trường tại các công ty: Công ty TNHH một thành viên tinh bột sắn Elmaco, Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình, Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình.
Tại Công ty TNHH một thành viên tinh bột sắn Elmaco (Sơn Lai - Nho Quan), trong 3 niên vụ sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xung quanh khu vực dân cư như: hệ thống xử lý nước thải bị xuống cấp, hiệu quả xử lý kém, bã thải không được thu gom xử lý kịp thời gây mùi hôi thối khu vực dân cư phụ cận, vỡ bể thu "mủ sắn" số 15 trong quá trình sản xuất làm tràn khoảng 50 m3 nước ra cánh đồng lúa của người dân thôn Sát, việc xây dựng nhà máy làm mất dòng chảy tự nhiên gây gập úng cho một số diện tích thôn Me...
Khắc phục tình trạng trên và giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân địa phương, Công ty Elmaco đã bổ sung các giải pháp bảo vệ môi trường như: xây dựng hệ thống bể lắng lọc, tuần hoàn, tái sử dụng trên 70% lượng nước thải, đào bổ sung 3 hồ xử lý nước thải bằng men Biological...
Do đó, từ niên vụ sản xuất 2007- 2008, nước thải sản xuất được xử lý thông qua hệ thống các bể lắng lọc thu mủ keo tụ, sau đó xử lý tiếp bằng men vi sinh tại các hồ sinh học, không thải ra môi trường tự nhiên.
Bã sắn thải ra đến đâu được bán hết đến đó, không để tồn đọng lâu ngày. Đối với diện tích canh tác của nhân dân khu vực phụ cận bị ảnh hưởng, trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà máy, nhân dân, chính quyền xã Sơn Lai, nhà máy đã đền bù theo kiến nghị của nhân dân.
Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình sản xuất phân lân nung chảy từ năm 1985. Từ trước năm 2002 do sản xuất gây ô nhiễm môi trường nên công ty được Bộ Khoa học, công nghệ đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và yêu cầu phải hoàn thành xử lý vào năm 2006.
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, công ty đã lập báo cáo Đánh giá tác động môi trường và tích cực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất như: đầu tư, nâng cấp, cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguyên, nhiên liệu đầu vào để giảm phát thải ngay từ nguồn, tự động hóa, cơ giới hóa trong nhiều công đoạn sản xuất, lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý khí thải, khói bụi theo phương pháp phun nước hấp thụ, xây dựng cảnh quan môi trường công nghiệp xanh, sạch, đẹp...
Năm 2006 công ty được Bộ Tài nguyên và môi trường chứng nhận đã hoàn thành các giải pháp xử lý triệt để về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay mùi khét, hắc từ hoạt động sản xuất vẫn ảnh hưởng khu vực xung quanh công ty, nồng độ khí thải tại cửa phát thải còn cao hơn tiêu chuẩn cho phép...
Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình đã hoạt động được hơn 30 năm. Trong quá trình hoạt động từ năm 1974- 1997, Công ty đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho khu vực thị xã Ninh Bình do chiều cao ống khói thấp hơn chiều cao của núi Cánh Diều, gây quẩn bụi, các thiết bị lọc bụi do Trung Quốc sản xuất đều bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Từ năm 1996, công ty đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và nghiêm túc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đã được phê duyệt như: cải tạo và nâng cấp thiết bị toàn bộ 4 tổ máy, xây dựng ống khói mới cao 130m thay thế ống khói cũ, xây dựng trạm bơm và nhà điều hành thải tro từ thiết bị khử bụi, xây dựng hệ thống xử lý nước khu vực bãi thải xỉ, tuần hoàn nước thải, thực hiện công tác giám sát môi trường định kỳ 1 năm/lần...
Từ năm 2000 trở lại đây, tình trạng ô nhiễm môi trường của công ty cơ bản được giải quyết. Đặc biệt, năm 2007 Công ty được Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tặng "Thương hiệu xanh bền vững" và được Tập đoàn điện lực Việt Nam chọn là đơn vị thí điểm xây dựng hệ thống quản lý môi trường (EMS) và chuẩn bị xây dựng tiêu chuẩn ISO 14000 về quản lý môi trường.
Giám sát tại các doanh nghiệp nói trên, thay mặt Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Tô Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá những cố gắng của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.
Đối với những tồn tại của các doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng chí đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể để hoàn thiện hệ thống bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, công nhân viên và người lao động hiểu và nắm bắt đầy đủ các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường để có thái độ tích cực cùng tham gia chấp hành tốt các quy định của pháp luật về môi trường.
Đồng chí Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị các doanh nghiệp cần nhìn nhận đúng những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường của đơn vị để nghiêm túc thực hiện tốt hơn những ý kiến đóng góp của các thành viên đoàn giám sát cũng như những kiến nghị, đề xuất của Sở Tài nguyên và môi trường tại các cuộc thanh tra, kiểm tra để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao nhất.
Bùi Diệu