Để duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một môi trường có tính cạnh tranh cao thì các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải nâng cao năng lực của chính mình bằng nhiều giải pháp như thu hút thêm vốn đầu tư, cử đội ngũ quản lý, nhân viên tham gia các khóa đào tạo, tăng cường hoạt động tiếp thị và xúc tiến thương mại… Trong số những giải pháp trên, có những giải pháp phù hợp, có giải pháp không phù hợp vì quy mô của các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là nhỏ và vừa, nếu đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, quảng bá sẽ gặp khó do không có nguồn lực tài chính. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và TMĐT là một trong những cách thức phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do chi phí thấp, dễ ứng dụng, hiệu quả lại cao. Vì thế, công nghệ thông tin và TMĐT cần được nhìn nhận như công cụ để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh. Với một doanh nghiệp nhỏ bán hàng thủ công mỹ nghệ, nếu muốn bán hàng thông qua kênh quảng bá truyền thống như: tham dự hội chợ triển lãm, quảng cáo trên báo chí, truyền hình... thì cần có khoản kinh phí lớn, có thể vượt quá khả năng nên không thể thực hiện. Không quảng bá thì không có cơ hội bán được hàng. Hoặc thậm chí có tiến hành hoạt động này thì cũng chỉ bán được sản phẩm trong phạm vi quanh địa bàn mà họ đang hoạt động chứ chưa tiếp cận được các thị trường xa hơn như Hà Nội, TPHCM hay nước ngoài. Nhưng nếu doanh nghiệp sử dụng Internet thì họ có thể tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng ở khắp toàn cầu. Do đó, doanh nghiệp nếu không có ý thức hay kế hoạch cụ thể để ứng dụng CNTT và TMĐT thì sẽ bỏ phí một công cụ giúp nâng tính cạnh tranh một cách hiệu quả. Theo ông Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Sông thương: Trong những năm qua, TMĐT ở Việt Nam phát triển khá nhanh và đã thực sự trở thành công cụ để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, TMĐT đã trở thành một trong những công cụ quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, làm thay đổi phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó góp phần đưa doanh nghiệp bắt kịp tiến trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động TMĐT là đa dạng về hình thức, phức tạp về tính chất và có tác động xã hội rộng lớn, nhất là đối với hoạt động mua bán trên Internet, người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp mà giao dịch trên môi trường điện tử nên những vi phạm, tranh chấp rất phức tạp, khó xử lý. Bên canh đó, nhận thức của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng về TMĐT còn hạn chế; một số doanh nghiệp đã lợi dụng TMĐT để quảng cáo sai sự thật, lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế…
Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhận thức về pháp luật trong hoạt động TMĐT, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và TMĐT còn ở mức hạn chế. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ sử dụng Email để giao dịch, tìm kiếm khách hàng hoặc website để cung cấp thông tin về doanh nghiệp, quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà chưa thực hiện các giao dịch mua bán hàng trực tuyến, quản lý thông tin khách hàng, đơn đặt hàng bằng cơ sở dữ liệu tự động trên mạng, thanh toán qua mạng bằng thẻ tín dụng…
Nhận thức được vai trò quan trọng của TMĐT đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong những năm qua Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công thương và các cơ quan liên quan tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật, kỹ năng ứng dụng TMĐT và ứng dụng TMĐT trong phát triển sản phẩm. Đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia và ứng dụng TMĐT như: xây dựng trang web, xây dựng thương hiệu trực tuyến, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sàn TMĐT xnkninhbinh.com…
Qua đó đã giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng với bạn hàng trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển.
Thanh Chiên