Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Xác định được điều đó, những năm qua, xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mang lại đổi thay tích cực trên cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ.
Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập, thời gian qua, xã Thượng Kiệm đã tập trung hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình trồng màu trên đất ruộng, phá thế độc canh cây lúa. Bên cạnh đó vận động người dân cải tạo vườn tạp, lập mới vườn cây ăn trái và mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản… Nhờ vậy, thu nhập trên 1 ha đất sản xuất của xã đã tăng lên đáng kể.
Mô hình trồng rau, nuôi cá, rắn bùn trên đất ruộng của anh Trần Việt Phú, xóm 8, Thượng Kiệm cho thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm. Anh Phú cho biết: Trước đây, gia đình chỉ cấy 1 năm 2 vụ lúa, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Quyết tâm làm ăn lớn, 4 năm trước gia đình anh quyết định đấu thầu 2 ha đất 5% của xã để đầu tư đào ao thả cá kết hợp với nuôi rắn bùn và trồng rau. Mùa nào rau ấy, mùa hè thì mướp đắng, dưa lê, bí xanh, mùa đông thì bắp cải, súp lơ… Thời điểm hiện tại, gia đình anh vừa xuất bán ngót 4 vạn bắp cải, với giá 4.500-5.000 đồng/cái (bán tại ruộng) thu về gần 100 triệu đồng.
Lấy ngắn nuôi dài, anh Phú đang tiếp tục đưa 4 vạn gốc đinh lăng vào trồng hứa hẹn cho hiệu quả cao. Mô hình kinh tế của anh Trần Việt Phú giờ được rất nhiều bà con trong thôn, trong xã đến học tập kinh nghiệm để làm theo. Riêng vụ đông năm nay, xóm 8 có tới 10 hộ thực hiện mô hình trồng rau như nhà anh Phú với diện tích trên 10 mẫu. Được biết, ngoài trồng rau, gần đây trên địa bàn Thượng Kiệm cũng xuất hiện thêm nhiều mô hình mới có triển vọng như: mô hình trồng nấm, nuôi rắn… Chính quyền xã đang tích cực rà soát, đánh giá những ưu điểm, hạn chế của các mô hình để có giải pháp hỗ trợ nông dân tiếp tục phát triển và nhân rộng trong thời gian tới.
Bên cạnh việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với lợi thế có nghề sản xuất và chế biến cói truyền thống, lại nằm gần trung tâm huyện Kim Sơn, Thượng Kiệm có nhiều thuận lợi trong phát triển các hoạt động TTCN và thương mại - dịch vụ nhằm thu hút và tạo việc làm cho nhân dân. Xã cũng đã có nhiều chính sách ưu tiên khuyến khích các hộ gia đình mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làm nghề tiểu thủ công nghiệp như: Tạo điều kiện để các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh một cách thuận lợi, nhanh chóng; có chính sách phù hợp để các tập thể, cá nhân có nhu cầu thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể ở xã chủ động phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động… Hiện nay, xã có 6 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, giải quyết việc làm cho gần 1.800 lao động với mức thu nhập bình quân từ 40-60 nghìn đồng/ngày. Doanh thu từ làng nghề ước tính khoảng 47 tỷ đồng/năm.
Có mặt tại tổ hợp sản xuất cói của gia đình chị Dương Thị Miến, xóm 6, Thượng Kiệm, chúng tôi chứng kiến hàng chục lao động đang cần mẫn đan giỏ, cắt mối. Chị Miến cho biết: Tổ hợp của chị mỗi tháng sản xuất trên 3.000 sản phẩm các loại, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động quanh xóm với mức thu nhập 1,5-2 triệu đồng/tháng. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và tạo việc làm ổn định cho bà con, cơ sở của chị phải liên tục cải tiến mẫu mã, sản xuất theo đơn đặt hàng của khách, đảm bảo uy tín, chất lượng.
Nhờ các giải pháp đồng bộ và cụ thể, theo điều tra đến tháng 6-2014 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Thượng Kiệm đã đạt trên 24 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng đã giảm từ 4,94% cuối năm 2013 xuống còn 2,94%. Ông Vũ Ngọc Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Kiệm cho biết: Để đạt và duy trì được tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, UBND xã tập trung thực hiện một số giải pháp: Thứ nhất là tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất đưa cây màu xuống ruộng và tăng cường chuyển giao KHKT đến người dân để nhân rộng mô hình. Giải pháp thứ hai đó là tranh thủ các nguồn vốn vay, đặc biệt là các nguồn vốn ủy thác của đoàn thể và tập trung cho chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tăng dịch vụ, chuyển lao động từ nông nghiệp. Giải pháp thứ ba là tập trung cho đào tạo nghề".
Hy vọng rằng, với giải pháp tích cực đó, mức thu nhập của người dân trong xã sẽ tiếp tục tăng nhanh, góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu