Việc các thương hiệu hàng hóa Việt vẫn còn "mai danh, ẩn tích" có nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại chưa quan tâm đầu tư cho chiến lược xây dựng thương hiệu; sản phẩm sản xuất ra chi phí cao, giá thành lớn tạo ra giá bán trên thị trường không hợp lý.
Trong những năm gần đây nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên tự khẳng định mình trong thương trường của các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bằng các cơ chế, chính sách, hướng đi phù hợp…, một số sản phẩm hàng hóa đã có thương hiệu trên thương trường quốc tế cũng như quốc nội. Thiết bị nâng hạ, siêu trường, siêu trọng (Cần cẩu, cổng trục, cẩu trục) - Xí nghiệp cơ khí Quang Trung; Dứa đông lạnh và nước quả đóng hộp - Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao; thêu ren- Làng Văn Lâm; đá Mỹ nghệ - Ninh Vân; chiếu cói - Kim Sơn; phân lân đa dinh dưỡng - Công ty Cổ phần phân lân Ninh Bình… Đó chính là các thương hiệu hàng hóa mà các doanh nhân, doanh nghiệp, làng nghề, vùng quê trải qua năm tháng phát triển đã tạo dựng được và tồn tại đến nay trên thương trường. Song, những thương hiệu như vậy còn ít so với tổng số các doanh nghiệp, làng nghề có trên địa bàn.
Có thể khẳng định là chất lượng sản phẩm hàng hóa quyết định đến sự hình thành thương hiệu, đi kèm với nó là uy tín và giá cả. Từ cổ đến kim mọi người tiêu dùng, sử dụng đều mong muốn có được loại hàng hóa với giá trị sử dụng tốt (lâu, bền), giá cả lại rẻ phù hợp. Giải quyết được vấn đề trên là một "bài toán" khó, bởi thông thường chất lượng và giá thành là 2 vấn đề luôn đối nghịch nhau, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những giải pháp đồng bộ, liên tục, hài hòa mà mục tiêu chính là hướng đến lợi ích của người tiêu dùng (nâng cao trình độ; đổi mới công nghệ, thiết bị, máy móc; tiết kiệm chi phí, hạ giá thành…). Đương nhiên, để hàng hóa Việt được biết đến trên trường quốc tế, không thể thiếu công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến mọi người dân ở mọi miền với chiến lược: đúng, đủ, kịp thời và trúng. Công việc này cần có sự "vào cuộc" của các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông, các doanh nghiệp và cả Nhà nước với phương châm "đi trước một bước". Bên cạnh đó thì vấn đề "chữ tín" cần được các doanh nghiệp, doanh nhân phải đặc biệt quan tâm: Không để tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó", hay cam kết một đằng làm một nẻo. Ông cha ta đã có câu "một lần bất tín, vạn sự bất tin" và nếu như sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nào như vậy thì chỉ có thể tiêu thụ được một lần và sau đó sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay. Khi đó thương hiệu hàng hóa của doanh nghiệp đó không hình thành, hoặc sẽ mất đi trong lòng công chúng, nếu như đã có.
Thương hiệu hàng hóa, không phải là cái gì cụ thể có thể nắm giữ được. Nó chỉ được hình thành khi chất lượng hàng hóa tốt, giá cả phù hợp, giữ được uy tín trên thương trường…
Đinh Chúc