Trong giai đoạn tăng trưởng nền kinh tế hiện nay, Việt Nam đang có thứ hạng cao trên thế giới về chỉ số tăng trưởng kinh tế bất chấp việc suy thoái kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến tất cả các nước trên thế giới. Song song với việc phát triển nền kinh tế, các ngành công nghiệp được đặt mũi nhọn phát triển, tuy nhiên thách thức đặt ra là mức độ tăng trưởng nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng nhanh. Tính trung bình mỗi năm, nhu cầu sử dụng năng lượng của đất nước tăng lên gấp 2 nhưng mức độ tăng trưởng ngành năng lượng trong nước lại chỉ đáp ứng được khoảng 60% nguồn năng lượng yêu cầu.
Nguồn năng lượng của Việt Nam sẽ trở nên khan hiếm, các mỏ dầu và khí đốt sẽ dần cạn kiệt, trong khi đó tình trạng lãng phí năng lượng trong sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng, giao thông vận tải… của nước ta hiện nay là rất lớn, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng còn rất thấp so với các nước phát triển (hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28-32%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm các ngành công nghiệp chính của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chúng ta sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng trước năm 2020. Nếu không đảm bảo được kế hoạch khai thác các nguồn năng lượng nội địa hợp lý, tình huống phải nhập khẩu năng lượng sẽ xuất hiện vào khoảng năm 2015. Điều đó cho thấy vấn đề năng lượng của Việt Nam sẽ chuyển từ giới hạn trong phạm vi một quốc gia thành một phần của thị trường quốc tế và chịu sự tác động thay đổi của nó. Vấn đề tiết kiệm năng lượng trở nên đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang và sẽ trở thành nước phải nhập khẩu năng lượng. Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời...) hầu như chưa được khai thác, sử dụng thì các nguồn năng lượng không tái tạo (dầu thô, than đá...) đang cạn kiệt dần. Nếu chúng ta không có những biện pháp, chiến lược hợp lý trong vấn đề tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, trong thời gian không xa nữa chúng ta sẽ thiếu hụt trầm trọng năng lượng. Tiết kiệm năng lượng đang ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết.
Quan điểm chính sách năng lượng của Việt Nam dựa trên sự hài hòa giữa hiệu quả kinh tế, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Cụ thể là: Khai thác đa dạng, hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước, kết hợp với xuất nhập khẩu hợp lý trên cơ sở giảm dần, tiến đến không xuất khẩu nhiên liệu sơ cấp, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn nhiên liệu và bảo đảm an ninh năng lượng cho tương lai; phát triển các công trình mới đồng thời với việc cải tạo, nâng cấp các công trình cũ. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu từ sản xuất đến truyền tải, chế biến và sử dụng năng lượng; phát triển năng lượng đi đôi với bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Đảm bảo phát triển bền vững ngành năng lượng; từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong ngành năng lượng. Nhà nước chỉ giữ độc quyền những khâu then chốt để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đẩy mạnh chương trình năng lượng nông thôn. Nghiên cứu phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt đối với các hải đảo, vùng sâu, vùng xa; phát triển nhanh ngành năng lượng theo hướng đồng bộ, hiệu quả, trên cơ sở phát huy nguồn nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế; phát triển dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng mỗi miền; đảm bảo cung cấp đầy đủ, liên tục, an toàn cho nhu cầu năng lượng tất cả các vùng trên toàn quốc; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nguồn điện trên cơ sở tiềm năng năng lượng sẵn có ở Việt Nam, hạn chế phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Để thực hiện đồng bộ và hiệu quả việc tiết kiệm năng lượng, ngày 28-6-2010 Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Luật này quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ngày 29-3-2011 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Với những quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước, của các ngành, các cấp và nhân dân, hy vọng rằng chúng ta sẽ thực hiện hiệu quả các giải pháp tiết năng lượng cho đất nước, góp phần vào chiến lược tiết kiệm năng lượng chung của toàn thế giới trong bối cảnh thiếu hụt nguồn năng lượng như hiện nay.
P.V