Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & PTNT): Đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 274 HTX nông nghiệp, bao gồm: 246 HTX trồng trọt (225 HTX dịch vụ trồng trọt và 21 HTX chuyên ngành trồng trọt); 7 HTX chăn nuôi, 8 HTX nuôi trồng và khai thác thủy sản, 13 HTX nông nghiệp tổng hợp. Về quy mô HTX có: 125 HTX có quy mô toàn xã, chiếm 45,62%, 143 HTX có quy mô thôn, liên thôn, chiếm 52,18%, còn lại có 4 HTX liên xã và 1 HTX toàn tỉnh.
Các HTX đạt tiêu chí tốt và khá là 190 HTX, chiếm 69,34%; 61 HTX trung bình, chiếm 22,26%, số HTX yếu là 7 HTX, chiếm 2,55%, số còn lại là HTX mới thành lập và HTX dừng hoạt động chờ giải thể chưa có đánh giá kết quả hoạt động. HTX nông nghiệp có trụ sở 163 HTX, chiếm 59,48%.
Thành viên HTX nông nghiệp toàn tỉnh là 205.060 người, bình quân 751 thành viên/HTX; số thành viên góp vốn điều lệ là 129.020 thành viên, chiếm 62,92% với tổng vốn điều lệ đã góp là 49.224.746 nghìn đồng; bình quân 382 nghìn đồng/1 thành viên góp vốn. Phần lớn các HTX chưa cấp giấy chứng nhận vốn góp thành viên và chủ yếu là các hộ nông dân trên địa bàn HTX.
Như vậy, tỷ lệ số thành viên góp vốn chưa cao, số vốn góp không nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình huy động vốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh của HTX. Đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các HTX hiện nay khoảng 842 người, cán bộ quản lý HTX thường xuyên được trẻ hóa, được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên số cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng vẫn còn thấp, vẫn còn nhiều cán bộ chưa qua đào tạo, gây khó khăn cho việc tổ chức quản lý, tiếp thu ứng dụng khoa học công nghệ. Các HTX chậm đổi mới trong phương thức hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của HTX.
Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: HTX nông nghiệp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về mặt sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhằm tạo ra những sản phẩm thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của xã hội cũng như cho xuất khẩu.
Trên địa bàn tỉnh đã có 267/274 HTX nông nghiệp kiểu cũ đã thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đạt 97,45%. Hầu hết các HTX nông nghiệp vẫn duy trì và tổ chức các dịch vụ phục vụ trực tiếp xã viên và nhân dân địa phương với bình quân 1 HTX tiến hành 5-7 dịch vụ. Các HTX khi sáp nhập thành 1 HTX đã thực hiện được 7-9 dịch vụ, đem lại hiệu quả và lợi ích cao cho các thành viên.
Các hoạt động dịch vụ mà HTX thực hiện chủ yếu là: Tưới tiêu, bảo vệ sản xuất, bảo vệ thực vật, thú y, cung ứng giống, cung ứng vật tư, khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm... Một số HTX tổ chức thêm các dịch vụ khác như dịch vụ làm đất, dịch vụ thú y, thu hoạch nông sản, tín dụng nội bộ và dịch vụ văn hóa xã hội… Các HTX tổ chức hoạt động dịch vụ thông qua các tổ quản lý, sử dụng nước, tưới tiêu và bảo vệ nội đồng…
Nguồn vốn, tài sản của các HTX hàng năm ít được bổ sung, nguồn vốn chủ yếu là vốn cố định, vốn lưu động của các HTX nông nghiệp không nhiều. Trong đó tài sản cố định là 313.257.053 nghìn đồng, bình quân/HTX là 1.147.462 nghìn đồng, chiếm 77,17% tổng số tài sản.
Tổng doanh thu của 274 HTX nông nghiệp trong toàn tỉnh là 329.614.084 nghìn đồng, đạt bình quân 1.207.378 nghìn đồng/HTX, trong đó chủ yếu là doanh thu từ các hoạt động dịch vụ cung cấp cho thành viên HTX. Số HTX hoạt động có lãi là: 159/274 HTX nông nghiệp chiếm 58,02%; 14/274 HTX nông nghiệp bình toán, chiếm 5,11%; 73/274 HTX nông nghiệp hạch toán lỗ, chiếm 26,64%; còn lại 28 HTX mới thành lập hoặc không hạch toán kết quả sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung, doanh thu của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đến từ hoạt động cung ứng và tổ chức các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho quá trình sản xuất của thành viên và nhân dân địa phương.
Các hoạt động dịch vụ chủ yếu là dịch vụ nông nghiệp như: tưới tiêu bảo vệ sản xuất, bảo vệ thực vật, thú y, cung ứng giống, cung ứng vật tư, khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm… Lợi nhuận thu được trong kinh doanh và dịch vụ sau khi trừ chi phí quản lý HTX còn lại không đáng kể, một số HTX chuyên ngành sau khi thành lập bước đầu đã mang lại hiệu quả, tuy nhiên việc tiếp cận thị trường còn nhiều khó khăn dẫn đến việc tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, không ổn định, giá thành không cao, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh chung của HTX.
Đinh Chúc