Theo kế hoạch, các ngành, địa phương thực hiện tốt việc tổ chức tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán gồm: nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về qua trao trả chính thức, tự trở về; nạn nhân bị mua bán trong nước được giải cứu, tự đến trình báo, nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chế độ hỗ trợ ban đầu. Tổ chức việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện tốt công tác cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cần thiết cho nạn nhân. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự tham gia tích cực của các đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc thực hiện chính sách trợ giúp và tạo thành phong trào giúp đỡ nạn nhân bị mua bán. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân; lồng ghép với chương trình an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân, hạn chế rủi ro trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể để hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân về y tế, văn hóa, học nghề và trợ giúp pháp lý... Thống kê, cập nhật danh sách và lập hồ sơ quản lý nạn nhân bị mua bán trở về để tư vấn, xác định nhu cầu, trình độ, hoàn cảnh gia đình, có kế hoạch trợ giúp thích hợp...
Để thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch đề ra, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phân công và chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng mới và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân; quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, thống kê danh sách nạn nhân có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm để tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ, giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống. Tổ chức tốt việc tiếp nhận những nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về; hỗ trợ dạy nghề, dạy văn hóa giúp họ sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, các sở, ngành tổ chức tiếp nhận, xác minh, lập hồ sơ ban đầu để quản lý nạn nhân; thực hiện chế độ hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân và người chưa thành niên đi cùng nạn nhân. Phối hợp với chính quyền địa phương xác minh, xác định nạn nhân, cấp giấy xác nhận cho nạn nhân theo quy định. Thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người chưa thành niên đi cùng và bảo vệ bí mật thông tin của nạn nhân.
Sở Tư pháp giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ về pháp lý cho nạn nhân bị mua bán, hướng dẫn cách thức đăng ký các loại giấy tờ bị mất theo quy định. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương hỗ trợ việc khám, chữa bệnh ban đầu tại điểm tiếp nhận và cung cấp các dịch vụ y tế cho nạn nhân bị mua bán trở về. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học và các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân tạo điều kiện thuận lợi để học sinh là nạn nhân học văn hóa, học nghề. Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình, cộng đồng dân cư trong việc phòng, chống mua bán người. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại địa phương nơi nạn nhân cư trú; tổ chức cho chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt hội; giúp đỡ cho vay vốn tín chấp từ các nguồn vốn sẵn có ở địa phương, đặc biệt là từ nguồn vốn giúp phụ nữ nghèo. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống chính trị của địa phương về phòng, chống mua bán, góp phần nâng cao ý thức phòng ngừa và tố giác tội phạm trong nhân dân trên địa bàn.
Trần Dũng