Thậm chí có loại sâu bệnh mà ngành Nông nghiệp "liệt kê" vào dạng nguy hiểm, "hiện diện" ngày càng phổ biến trên đồng ruộng.
Trong vụ đông xuân năm 2010, các đối tượng sâu bệnh gây hại chính là: Bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, chuột… trên cây lúa; trên cây lạc có sâu khoang, sâu cuốn lá, bệnh gỉ sắt… Tổng diện tích nhiễm các đối tượng dịch hại trên các cây trồng lên đến 71.136,7 ha, cao gấp 1,2 lần so với vụ đông xuân trước, trong đó, diện tích nhiễm nặng 19.495,3 ha, cao gấp 1,4 lần so với vụ trước.
Đáng chú ý là bệnh lùn sọc đen hại lúa là một dạng bệnh nguy hiểm, mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh trong một vài vụ gần đây, nhưng đã gây hại ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã và tập trung nhiều ở Kim Sơn, thị xã Tam Điệp. Tổng diện tích nhiễm là 2.002 ha, với tỷ lệ bệnh nơi cao từ 3-5% số dảnh, cá biệt có nơi tới 20% số dảnh và hại nặng trên các giống Bắc thơm, LT2.
Đồng chí Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Thời tiết và các đối tượng dịch hại còn diễn biến phức tạp với nhiều loại sâu bệnh hại có chiều hướng phát sinh và gây hại tăng ở vụ đông xuân năm 2011. Đặc biệt là bệnh lùn sọc đen, nguồn bệnh đang tồn tại ở tất cả các nơi và bệnh có thể phát sinh ngay từ giai đoạn mạ và cao điểm gây hại từ giai đoạn lúa ôm đòng đến trỗ bông. Tỷ lệ hại nơi cao từ 5-7%, cá biệt có nơi trên 20%. Chuột hại có xu thế cao hơn vụ trước và gây hại mạnh ở giai đoạn khi lúa cuối đẻ nhánh đến làm đòng. Tỷ lệ hại nơi cao 5-7%, cá biệt có nơi trên 30% số dảnh nếu không phòng trừ tốt. Rầy nâu, rầy lưng trắng dự kiến sẽ phát sinh 3 lứa, gây hại rộng trên trà xuân muộn ở giai đoạn ôm đòng và chín, nếu không phát hiện phun trừ kịp thời có thể gây cháy nhiều ổ, đồng thời còn là môi giới truyền bệnh, tác nhân làm cho bệnh lùn sọc đen lây lan và phát triển nhanh. Sâu cuốn lá nhỏ trong vụ phát sinh 3 lứa, trong đó lứa 2 gây hại chính trên trà xuân muộn giai đoạn ôm đòng, tập trung nhiều ở các huyện phía Nam tỉnh…
Để làm cơ sở cho việc phòng, chống dịch hại có kết quả, những năm qua, Chi cục đã làm tốt công tác điều tra diễn biến dịch hại trên đồng ruộng, dự tính, dự báo chính xác thời gian phát sinh, quy mô, mức độ gây hại của các đối tượng gây hại chính: Bệnh lùn sọc đen, đạo ôn, rầy nâu, sâu đục thân lúa, sâu cuốn lá nhỏ…, làm cơ sở cho các địa phương và nhân dân chủ động phòng, chống kịp thời, có hiệu quả các đối tượng dịch hại. Vì vậy, mặc dù bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá đã phát triển thành dịch trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng thiệt hại do dịch bệnh gây ra là không đáng kể. Trong vụ, Chi cục đã có 6 thông báo, trong đó có 3 thông báo đối tượng gây hại, 3 văn bản hướng dẫn cách phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa đông xuân. Cử hàng trăm lượt cán bộ chuyên môn xuống cơ sở nắm tình hình sản xuất, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ các đối tượng gây hại kịp thời, có hiệu quả, đồng thời mở 189 lớp cho 19.660 lượt người tham dự tập huấn kỹ thuật, tổ chức 65 hội nghị đầu bờ ở 65 xã có bệnh lùn sọc đen, hướng dẫn cho nông dân nhận biết được bệnh và cách phòng trừ. Triển khai các mô hình thâm canh tổng hợp, mô hình phòng trừ dịch bệnh tổng hợp ở các địa phương.
Vụ đông xuân tới, dịch hại còn diễn biến rất phức tạp, với chức năng và nhiệm vụ được giao, công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh, phát triển của các đối tượng gây hại vẫn được quan tâm hàng đầu. Duy trì hoạt động của các bẫy đèn nhằm theo dõi rầy để có biện pháp ngăn ngừa sự phát triển của rầy và bệnh lùn sọc đen. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về thực hiện "3 giảm, 3 tăng". Tăng cường công tác quản lý thuốc BVTV. Các địa phương và người nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng và các đối tượng gây hại; vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư, nhất là ở những khu ruộng bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Tổ chức tốt các biện pháp diệt chuột, đánh chuột đồng loạt ngay sau khi đổ ải làm đất cho vụ sản xuất đông xuân.
Đinh Chúc