Phóng viên: Thưa đồng chí Chủ tịch, đồng chí có đánh giá gì về năm 2011?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, chúng ta có những thuận lợi cơ bản như: Sự đồng thuận cao của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh, hăng hái, phấn khởi thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp từ đầu năm; bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở được bổ sung và kiện toàn qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; các dự án được đầu tư từ các năm trước đạt hiệu quả KT- XH…
Song bên cạnh đó, cũng phải thấy năm 2011 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế suy giảm, khủng hoảng nợ công của một số nước châu Âu lan rộng. Giá cả trong nước tăng cao, khoảng 18%. Thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó đáng chú ý là giải pháp thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước. Đây là một khó khăn rất lớn đối với tỉnh Ninh Bình vì chúng ta đang thực hiện nhiều dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Năm nay, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển ở tỉnh ta chỉ đạt 3.016,4 tỷ đồng, giảm 37,2% so với năm 2010. Bên cạnh đó, thiên tai, thời tiết, dịch bệnh cũng diễn biến hết sức phức tạp gây nhiều khó khăn, nhất là sản xuất nông nghiệp. Do đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài, làm cho vụ sản xuất đông xuân và vụ mùa chậm, ảnh hưởng đến diện tích và năng suất vụ mùa năm 2011, một số cây trồng vụ đông không đạt kế hoạch đề ra.
Có thể nói, năm 2011 là năm khó khăn nhất trong những năm qua, nhưng cũng thấy được sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ trên bình diện phạm vi cả nước và của tỉnh nên hầu hết các chỉ tiêu KT- XH trong năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Phóng viên: Khó khăn như thế nhưng năm 2011, chúng ta đã dành được những kết quả đáng phấn khởi. Xin đồng chí Chủ tịch cho biết những kết quả chủ yếu của năm 2011?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Mặc dù chúng ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, của cán bộ, quân và dân trong tỉnh, đến nay KT- XH của tỉnh ta đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện. Có thể đánh giá khái quát kết quả của năm 2011 là: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, nông nghiệp ổn định, công nghiệp tăng trưởng mạnh, các ngành dịch vụ đã từng bước nâng cao chất lượng, văn hóa - xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chính quyền các cấp được kiện toàn ngày càng vững mạnh, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai tích cực, hầu hết các chỉ tiêu KT- XH đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó đáng phấn khởi là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 16,1%, vượt kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 120% kế hoạch và vượt so với năm 2010 là 4.168 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt rất cao là 263,7 triệu USD, gấp 2,7 lần so với năm 2010. Một số chỉ tiêu trong năm thực hiện rất khó khăn như thu ngân sách nhưng cũng đạt 3.070 tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch đề ra...
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, đáng phấn khởi là sự nghiệp giáo dục được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội nên có kết quả tương đối cao. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của Ninh Bình xếp thứ ba toàn quốc và đứng thứ bẩy toàn quốc về điểm bình quân của thí sinh thi đại học. Các vận động viên của Ninh Bình tham gia thi đấu tại SEA Games 26 đạt 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng. Trong năm 2011, chúng ta đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Tỷ lệ hộ nghèo từ 12,4% năm 2010 giảm xuống còn 10,53% năm 2011.
Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi đó, năm 2011, chúng ta còn một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Đồng chí Chủ tịch có thể nói gì về chỉ tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành dịch vụ và tỷ lệ hộ nghèo năm qua?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Do đầu tư cơ sở hạ tầng bằng ngân sách Nhà nước và vốn của các doanh nghiệp những năm trước nên các ngành dịch vụ như: du lịch, thương mại, vận tải, bưu chính, viễn thông, tài chính, tín dụng... vẫn phát triển và tăng. Chỉ tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành dịch vụ năm 2011 chỉ đạt 15%, trong đó chỉ tiêu đề ra là 21% có nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay ngành chức năng đang tính tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành kinh tế theo giá cố định năm 1994, tức là lấy giá cố định của năm 1994 làm mốc để tính tốc độ tăng. Vấn đề nữa là do lạm phát tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng 17,78% so với tháng 12-2010, thấp hơn so với giá tăng bình quân cả nước. Nếu như chỉ số tăng giá tiêu dùng được kiềm chế, tăng không quá 7% như Nghị quyết của Chính phủ đề ra thì tốc độ tăng giá trị của ngành dịch vụ sẽ vào khoảng 22%.
Đối với tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới, qua khảo sát của các ngành chức năng và các địa phương, năm 2010, chúng ta còn 12,4% và đề ra kế hoạch cho năm 2011 là giảm còn 10% hộ nghèo. Tuy nhiên, chúng ta đã rất quyết liệt phấn đấu, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy khóa XIX, nhưng đến hết năm 2011 còn 10,53% hộ nghèo, chưa đạt kế hoạch. Nguyên nhân là trong bối cảnh suy giảm kinh tế và thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhất là chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt ít nhiều có ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, mặt khác chỉ tiêu phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo 1 năm 2,4% là cao và như vậy thì khó thực hiện được.
Phóng viên: Thưa đồng chí Chủ tịch, vì sao năm 2011, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác đầu tư xây dựng cơ bản?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Đúng là thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và chấn chỉnh về công tác đầu tư xây dựng cơ bản như: Văn bản số 58 ngày 21-2-2011, Văn bản số 50 ngày 22-2-2011, Quyết định số 158 ngày 4-3-2011, Văn bản số 342 ngày 27-7-2011, Văn bản số 255 ngày 1-9-2011, Văn bản số 427 ngày 21-9-2011 và nhiều hội nghị UBND tỉnh cũng bàn việc này.
Có thể nói, do biết khai thác, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong những năm qua mà tỉnh Ninh Bình có được kết cấu hạ tầng, nhất là các khu du lịch, dịch vụ và đường giao thông như ngày hôm nay. Đó là kết quả rất phấn khởi.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện những vấn đề cần phải chỉ đạo, chấn chỉnh như: công trình kéo dài làm cho hiệu quả đầu tư thấp, nợ xây dựng cơ bản lớn, số vốn tạm ứng nhiều và chậm làm các thủ tục thanh, quyết toán hoàn ứng. Việc phân bổ kế hoạch xây dựng cơ bản của cấp huyện và xã còn dàn trải, chưa tập trung vào thanh toán nợ và các công trình đã hoàn thành. Sự phối hợp giữa chủ đầu tư, ban quản lý dự án với các sở, ngành, UBND và Hội đồng giải phóng mặt bằng cấp huyện chưa thường xuyên. Năng lực của một số chủ đầu tư và đơn vị tư vấn còn hạn chế làm cho tình trạng dự án phải bổ sung, điều chỉnh còn nhiều...
Do vậy mà UBND tỉnh cần phải tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ đầu tư, các nhà thầu phải rà soát, làm đúng thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định. Đối với các dự án đã hoặc sắp hoàn thành thì khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục quyết toán công trình, dự án. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thì chỉ được thi công theo đúng tiến độ cấp vốn hàng năm. Đối với các dự án có quy mô lớn, thời gian thi công kéo dài, tiến độ cấp vốn chậm thì tạm dừng thi công một số hạng mục, trường hợp cần thiết, chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành hạn chế khởi công xây dựng các công trình và dự án mới khi chưa được bố trí vốn. Những việc làm đó sẽ giúp tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản chặt chẽ hơn.
Phóng viên: Năm 2012, dư luận băn khoăn khi một số chỉ tiêu KT- XH của tỉnh ta thấp hơn năm 2011, xin đồng chí Chủ tịch nói rõ hơn về vấn đề này?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, là năm chúng ta sẽ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Ninh Bình (1992 - 2012) và 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, năm 2012 có thể nền kinh tế còn gặp phải rất nhiều khó khăn. Cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu nếu không sớm tìm ra lối thoát thì kinh tế thế giới vẫn ít có khả năng phục hồi. Trong nước, lạm phát đã giảm vào những tháng cuối năm 2011 nhưng còn khá cao.
Đảng, Nhà nước ta xác định mục tiêu tổng quát của năm 2012 là "Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân".
Do vậy, trên cơ sở phân tích thực trạng, dự báo tình hình, lường đón khó khăn, chúng ta đã đề ra một số chỉ tiêu KT- XH thấp hơn so với năm 2011 như: Chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước, năm 2011 ước đạt 3.070 tỷ đồng, năm 2012 chúng ta chỉ phấn đấu thu 2.850 tỷ đồng; chỉ tiêu vốn đầu tư toàn xã hội cũng giảm do việc thực hiện ưu tiên kiềm chế lạm phát nên vốn ngân sách Nhà nước giảm; chỉ tiêu về tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, xây dựng giảm do chúng ta thực hiện chính sách thắt chặt đầu tư công; tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 chúng ta đề ra là 14,5% do những năm qua tốc độ tăng trưởng của tỉnh đã khá cao. Mặt khác, một số chỉ tiêu đầu tư giảm, giá trị sản xuất các lĩnh vực và cụ thể hơn là số thu ngân sách giảm nên thực hiện được 14,5% chúng ta cũng phải phấn đấu rất nhiều.
Phóng viên: Để điều hành thực hiện các chỉ tiêu KT- XH của năm 2012, UBND tỉnh sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Các giải pháp phát triển KT- XH năm 2012 của UBND tỉnh đề ra đã được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh thông qua. Điều quan trọng nhất là phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp đó để vượt qua khó khăn, tạo sức bật mới trong phát triển KT- XH. Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh là tập trung phát triển kinh tế mà trọng tâm là phát triển sản xuất.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục rà soát và ban hành cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tập trung hỗ trợ và cùng tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã và đang triển khai như đạm, thép, xi măng, lắp ráp ô tô để sớm đi vào sản xuất. Động viên, giúp đỡ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay để ổn định sản xuất, duy trì việc làm và đảm bảo đời sống cho người lao động. Đẩy mạnh việc phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phát hiện và xử lý nghiêm đối với hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, đầu cơ tăng giá để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng. Bên cạnh những giải pháp phát triển kinh tế, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa - xã hội, nhất là đảm bảo an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đặt ra đối với các cơ quan thông tin đại chúng trong năm 2012 là phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ được thời cơ cũng như khó khăn, thách thức, từ đó tạo ra sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí trong các tầng lớp nhân dân để huy động mọi nguồn lực, sức mạnh cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT- XH của năm 2012, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch!
Nguyễn Đông (Thực hiện)