Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta xác định tham nhũng là một nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của đất nước và chế độ. Một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng đó là việc kê khai tài sản của cán bộ. Thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập được tiến hành từ nhiều năm nay, song, việc kê khai tài sản của cán bộ trong những năm qua được nhìn nhận, đánh giá là chưa hiệu quả.
Do vậy, ngày 23/5/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 85-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trên phạm vi cả nước, có khoảng 1.000 cán bộ lãnh đạo thuộc diện này.
Đối với tỉnh Ninh Bình, ngày 12/7/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 636-QĐ/TU về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý.
Mục đích là kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản nhằm đảm bảo thực hành nghiêm chỉnh các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm trong việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Nguyên tắc của việc kiểm tra, giám sát là phải chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và phải thực hiện đúng các quy định của Đảng.
Chủ thể kiểm tra là Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Chủ thể giám sát là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt. Đối tượng kiểm tra, giám sát là những đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý.
Quy định cũng chỉ rõ trách nhiệm và quyền hạn của chủ thể kiểm tra, chủ thể giám sát và đối tượng kiểm tra, giám sát, cùng trách nhiệm và quyền của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Nội dung kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản là việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hàng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên; việc giải trình về biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm.
Các vi phạm về kê khai tài sản gồm có: không kê khai, kê khai không trung thực, kê khai không đúng quy định. Vi phạm về giải trình biến động tài sản là không giải trình, giải trình không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời theo quy định và yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Các vi phạm trong quá trình kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản gồm: Đối với đối tượng kiểm tra, giám sát và các cơ quan, tổ chức liên quan là không chấp hành yêu cầu của chủ thể kiểm tra, giám sát và có hành vi cản trở, không hợp tác trong quá trình kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản; sửa chữa, bổ sung, giả mạo về hồ sơ, thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản, biến động tài sản và nguồn gốc tài sản của bản thân và gia đình; gây áp lực, mua chuộc tổ chức, cá nhân đang thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản nhằm làm sai lệch kết quả giám sát, kết luận kiểm tra việc kê khai tài sản.
Đối với chủ thể kiểm tra, giám sát là làm lộ thông tin về tài sản của đối tượng kiểm tra, giám sát; làm sai lệch hồ sơ kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản; nhận xét, kết luận thiếu căn cứ, không khách quan trong quá trình kiểm tra, giám sát.
Việc xử lý các vi phạm trên đây được thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của Trung ương. Sau quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc cũng sẽ ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý.
Với trách nhiệm là cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành cần có nhận thức đúng, đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉnh việc kê khai tài sản theo quy định, để khẳng định sự liêm chính của người cán bộ, góp phần đấu tranh chống tham nhũng và đem lại niềm tin cho các tầng lớp nhân dân.
Nguyễn Đông