Điểm nhấn quan trọng trong chỉ đạo của tỉnh về thực hiện Nghị quyết 11 đó là ưu tiên cho các giải pháp kiềm chế lạm phát nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định và tăng trưởng.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm về chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.
Thực hiện nhóm giải pháp về tiền tệ, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã nghiêm túc thực hiện các quy định về lãi suất và tín dụng của Chính phủ nhằm đảm bảo kiềm chế lạm phát. Trong đó, giữ mức tăng trưởng tín dụng thận trọng, tập trung vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2011 trên địa bàn đạt 4,7%, khả năng sẽ đảm bảo được mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 dưới 20%. Tổng nguồn vốn huy động đến hết tháng 6 ước đạt trên 26 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm, tổng dư nợ đạt trên 25 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7%. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã hạn chế cho vay các dự án phi sản xuất (tổng dư nợ cho vay dự án phi sản xuất giảm 10,3% so với đầu năm), tập trung ưu tiên vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ như: sản xuất cần gạt nước ô tô, phân bón, may mặc, nuôi trồng thủy sản. 6 tháng, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất chiếm 63% tổng dư nợ, tăng 14,7% so với đầu năm. Ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra quản lý thị trường, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống đầu cơ tăng giá. Vì vậy, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng đã giảm dần, đến tháng 5 chỉ còn 1,8%. Theo các ngành chức năng thì đến tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng khả năng tiếp tục giảm.
Về thực hiện nhóm giải pháp thắt chặt tài khóa, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương thực hiện ngay việc tạm dừng trang bị mới ô tô, mua sắm các tài sản có giá trị lớn, giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết; thực hiện tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm, đồng thời giao chỉ tiêu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên cho từng đơn vị, giao nhiệm vụ thu thuế, tăng phí thêm 116 tỷ đồng, tăng 8% so với dự toán. Đến nay, đã dừng trang bị mới 21 xe ô tô, điều chuyển, cắt giảm vốn 11 dự án khởi công mới với tổng vốn 14,65 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 1.365 tỷ đồng, bằng 46,3% dự toán, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Một số lĩnh vực có mức thu tăng cao đó là: thu phí, lệ phí đạt 655 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 460 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ…
Song song với chính sách tài khóa, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế. Trong sản xuất, kinh doanh, tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp từ việc phân bổ điện năng linh hoạt, đến việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục; đẩy nhanh xuất khẩu hàng hóa. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng với các dự án đã hoàn thành. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm đạt 7.440 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở các công trình trọng điểm như: Nhà máy Đạm, Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng và một số công trình giao thông, thủy lợi, các công trình phòng, chống lụt bão… Cùng với việc kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, duy trì tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã tập trung các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Trong đó, việc tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội được coi trọng. Toàn tỉnh đã cấp phát hỗ trợ tiền điện tháng 3 và quý II cho 30.714 hộ nghèo. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ các hộ cận nghèo 50% tiền mua thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ thêm 150.000 đồng/hộ với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho trên 117.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền là 1.397 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn vay mà nhiều hộ nghèo đã bớt khó khăn, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ ở tỉnh ta vẫn còn những tồn tại cần tập trung khắc phục. Đó là, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng trong 2 tháng (5 và 6) đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, nhất là nhóm mặt hàng thực phẩm, gây khó khăn trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Tiến độ một số công trình, dự án chưa đạt yêu cầu, công tác hoàn ứng vốn đầu tư còn chậm, nợ xây dựng cơ bản còn lớn, nhất là các công trình thuộc chương trình mục tiêu, công trình vốn trái phiếu Chính phủ… Đây chính là những khó khăn từ thực tiễn, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn của các cấp, ngành chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong kiên trì thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 đã ban hành.
Mai Lan