Có phòng vắt sữa, mẹ yên tâm làm việc
Công ty MCNex Vina là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh ta triển khai xây dựng phòng vắt, trữ sữa mẹ cho người lao động vào tháng 10 vừa qua. Đây được coi như một "sự kiện" và đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, kỳ vọng của đông đảo người lao động tại Công ty ngay từ giai đoạn còn là "dự án". Ngày khánh thành, hơn 200 bà mẹ bỉm sữa đã có mặt đông đủ. Chị Hoàng Hải Yến đang nuôi con nhỏ 8 tháng tuổi phấn khởi nói: Từ giờ thay vì phải tranh thủ vào toilet vắt bỏ sữa lúc giữa ca thì tôi đã có thể vắt sữa, trữ sữa trong tủ lạnh để hết giờ làm việc mang về cho con, vừa tránh lãng phí, vừa đảm bảo vệ sinh, lại còn rất tiết kiệm nữa.
Chị Doãn Thị Thu Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Doanh nghiệp hiện có hơn 4 nghìn lao động, trong đó có hơn 200 công nhân đang nuôi con bằng sữa mẹ. Phòng vắt trữ sữa đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cho nữ đoàn viên, CNLĐ có điều kiện trữ sữa để nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian dài nhất có thể. Hoạt động này cũng mang ý nghĩa nhân văn cao cả, giúp thắt chặt tình cảm mẹ con, đồng thời thể hiện sự chăm lo của các cấp công đoàn cũng như lãnh đạo doanh nghiệp đối với lao động nữ, góp phần trực tiếp vào việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp.
Được biết, nắm bắt nhu cầu của lao động nữ, Công ty hoàn toàn tạo điều kiện cho chị em khi căng sữa xin nghỉ để vắt chứ không khống chế giờ giấc khiến các bà mẹ rất phấn khởi. Chị Doãn Thị Thu Giang cho biết thêm: Trước đó, để thuyết phục được chủ doanh nghiệp tạo điều kiện xây dựng phòng vắt sữa, bằng nhiều minh chứng thực tiễn cũng như khoa học chúng tôi đã cho họ thấy được chương trình hỗ trợ nữ lao động nuôi con bằng sữa mẹ tại doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động mà còn thực sự có ý nghĩa với doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất lao động, bảo đảm ổn định tình hình lao động nói riêng và sản xuất, kinh doanh nói chung. Bởi theo các chuyên gia, việc hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp trẻ mạnh khỏe, phát triển tốt hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm số giờ vắng mặt của người lao động do nghỉ chăm con ốm, có thêm điều kiện toàn tâm, toàn ý với công việc, giúp nâng cao năng suất lao động.
Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, với không gian rộng rãi, sạch sẽ, kín đáo, phòng vắt sữa đã được sử dụng thường xuyên, trung bình mỗi ngày có hàng chục chị em lui tới. Được biết, ngoài những khoản đầu tư của doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh cũng đã trao tặng 1 tủ trữ sữa cho người lao động của Công ty. Có mặt tại phòng vắt sữa, chị Điền Thị Xuân cho biết: Hàng ngày tôi vừa đi làm, vừa có sữa mang về cho con, chỉ mất thêm một chút thời gian ủ nóng sữa là con có thể dùng được luôn. So với việc phải mua thêm sữa công thức cho con uống như trước đây, gia đình tôi đã tiết kiệm được vài trăm nghìn/tháng.
Niềm vui của chị Điền Thị Xuân đang là niềm mong mỏi của rất nhiều lao động nữ tại các nhà máy, xí nghiệp…
Rất ít doanh nghiệp có phòng vắt, trữ sữa
Theo báo cáo của LĐLĐ các huyện, thành phố, tính đến ngày 31/10/2017 tổng số lao động nữ trong các doanh nghiệp là 40.492 người. Trong đó số lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỷ lệ cao, tập trung nhiều ở các doanh nghiệp FDI thuộc các lĩnh vực may mặc, da giày, linh kiện điện tử. Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy nhu cầu về việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa cho lao động nữ là khá lớn. Tuy nhiên trên thực tế, từ năm 2015 (thời điểm ban hành Nghị định 85) đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 2 doanh nghiệp thực hiện được quy định này, đó là Công ty TNHH May NienHsing Ninh Bình và Công ty TNHH MCNEX VINA.
Về nguyên nhân của thực trạng này, chị Đỗ Oanh, Trưởng Ban nữ công LĐLĐ tỉnh cho rằng: ở một số doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng của công nhân lao động có thời điểm không cao nên chủ doanh nghiệp thấy không cần thiết. Một số doanh nghiệp khác lại gặp khó khăn về bố trí địa điểm và kinh phí vì mỗi phòng vắt, trữ sữa cần đầu tư khoảng từ 20 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, ban chấp hành công đoàn ở một số doanh nghiệp chưa phối hợp tốt với người sử dụng lao động, sự chỉ đạo của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa quyết liệt…
Đồng chí Phùng Minh Chung, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Khi triển khai tuyên truyền về vấn đề này còn không ít chủ doanh nghiệp có tư tưởng xem nhẹ và sợ ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị, do vậy chưa quan tâm để triển khai. Hơn nữa theo Nghị định 85, việc bố trí phòng vắt sữa tại nơi làm việc phụ thuộc vào yếu tố "điều kiện thực tế nơi làm việc", điều kiện này như thế nào thì chưa được quy định rõ. Do vậy rất khó để người sử dụng lao động chịu đầu tư kinh phí, địa điểm xây dựng phòng vắt sữa chỉ để phục vụ nhu cầu của một bộ phận lao động nữ…
Trước thực trạng này, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo công đoàn các cấp thực hiện tốt Nghị định 85, trong đó có việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa cho nữ công nhân lao động ở các doanh nghiệp có đông lao động nữ. LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 2 doanh nghiệp có đông lao động nữ lắp đặt phòng vắt, trữ sữa đầu tiên mỗi đơn vị 1 chiếc tủ trữ sữa để động viên, khuyến khích công nhân lao động và là mô hình điểm để các đơn vị khác học tập mà không phải đi đến các tỉnh bạn. LĐLĐ tỉnh cũng giao Công đoàn các khu công nghiệp hỗ trợ tủ trữ sữa cho một số doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp tỉnh để lắp đặt thêm phòng vắt, trữ sữa mẹ. Đưa việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa vào chương trình công tác nữ công hàng năm, cuối năm có đánh giá cụ thể kết quả thực hiện.
Đào Duy